Dự thảo Luật An toàn thông tin vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 sáng 6/4, gồm 9 chương, 56 điều.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, mạng Internet đã trở thành trung tâm của nền kinh tế và xã hội của mọi quốc gia. Tuy nhiên, mạng Internet đang trở thành môi trường cho những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tìm cách để vượt qua, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh trong một thế giới cạnh tranh và toàn cầu hóa.

phien_hop_37_rgji.jpgPhiên họp 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt khác, tính hai mặt của công nghệ Internet đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn.

Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phạm vi rất rộng nhưng nội dung dự thảo chủ yếu đề cập đến an toàn thông tin trên mạng; đồng thời nhất trí với ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường thu hẹp phạm vi của dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn và nghiên cứu tính khả thi của luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và các luật liên quan.

“Tiếp cận thông tin là quyền nên cấm gì, Luật phải ghi rõ nhưng phải phù hợp với Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời đề nghị xem xét về phạm vi điều chỉnh vì “thêm chữ Thông tin là rất phức tạp”.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ýLuật này liên quan đến việc triển khai Hiến pháp và có sự liên quan nhiều luật, đặc biệt là luật dân sự nên cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ.

“Quyền tiếp cận thông tin và thông tin là quyền cơ bản của con người. Các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Tòng Thị Phóng, dự thảo cũng phải làm rõ nếu có vi phạm thì ai xử lý và xử lý như thế nào, cấp độ ra sao: “Ghi như thế này không rõ trách nhiệm, chế tài. Phải thể hiện tốt hơn để sau này quy trách nhiệm cho rõ”.

Cho rằng đây là dự án luật khó và đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị cần rà soát thêm để hoàn thiện thì mới đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

“Nếu liên quan khái niệm thông tin thì phải mổ xẻ rất nhiều và luật còn phải bổ sung nhiều vấn đề nữa, và cần phải có cả một Bộ luật về vấn đề này”, ông Lý nhấn mạnh và đồng tình với quan điểm nên đi sâu vào an toàn thông tin mạng để đảm bảo tính khả thi./.