Phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-TBD (APPF-26) chiều nay (19/1) tập trung vào chủ đề Kinh tế và Thương mại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.

Hội nhập sâu rộng và bình đẳng đang tạo ra những cơ hội mới cho các quốc gia. Lấy minh chứng từ nền kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập tăng nhanh, Việt Nam cần 4 năm để tăng kim ngạch thương mại từ 200 lên 300 tỷ USD nhưng chỉ cần 2 năm để tăng từ mức 300 lên 400 tỷ USD và đạt mức 425 tỷ USD cuối năm 2017, hơn gấp 1,9 lần tăng trưởng GDP.

vov_000_hsiv.jpeg
Phiên toàn thể Kinh tế-Thương mại

Thúc đẩy tự do hóa thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ

Châu Á- Thái Bình Dương là khu vực có 55% tổng dân số thế giới và 50% thương mại hàng hóa và đóng góp hơn 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những trở ngại, thách thức trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ và những quan điểm khác biệt về hội nhập và toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh đó, nhiều đại biểu đề nghị, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực cần phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững. Việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng trên diện rộng và dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo, phát triển bao trùm đòi hỏi các nước cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, phải tăng cường trao đổi kinh nghiệm và đảm bảo sự đồng thuận, hài hòa.

Đại diện của Nghị viện Mexico nhấn mạnh sự đồng thuận của các nước trong việc tạo ra một khu vực thương mại tự do, chống chủ nghĩa bảo hộ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhằm mục tiêu xây dựng một khu vực châu Á-TBD hòa bình, ổn định, thịnh vượng.

Trong khi đó, chia sẻ câu chuyện câu chuyện phát triển kinh tế thành công của mình, nghị sĩ New Zeland cho biết, từ một quốc gia bảo hộ, với hàng rào thuế quan dày đặc, quốc gia này giờ đây là một nền kinh tế phát triển và năng động bậc nhất.

Theo đại biểu của New Zeland, quốc gia này đã mất 2 năm để cải cách và mở cửa thị trường. Thương mại là con đường duy nhất cho hợp tác kinh tế và đưa New Zeland giờ đây thành một nền kinh tế mở và hài hòa.

APPF-26 tiếp bước thành công APEC về hợp tác kinh tế

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khái quát những thành công của năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua. Đây là một trong những Kỳ họp cấp cao APEC có lượng người tham dự lớn nhất, với sự có mặt của tất cả các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, hơn 11.000 đại biểu. Trong đó có 4.500 đại biểu chính thức, 4.000 đại diện doanh nghiệp và 2.800 nhà báo.

Việt Nam đăng cai năm APEC 2017 và thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tháng 11/2017 chính là kết quả thiết thực cho người dân và giới doanh nghiệp các nền kinh tế thành viên. Các cam kết được các nhà lãnh đạo APEC đưa ra trong Hội nghị Cấp cao đã khẳng định các giá trị cốt lõi của APEC là thương mại và đầu tư tự do, cũng như tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng nhiều lĩnh vực APPF và APEC có thể bổ trợ lẫn nhau, cụ thể là thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng trưởng bền vững và phát triển bao trùm; làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, an ninh lương thực, doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ; và trao quyền cho phụ nữ./.