Qua 5 năm (2016-2020) thực hiện phát triển và tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra cần giải quyết để cơ cấu lại nông nghiệp cho giai đoạn tới.

Nông dân mong đợi

Phát biểu thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh sự thay đổi của ngành nông nghiệp ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống về mọi mặt của hàng chục triệu người nông dân, ảnh hưởng lớn đến bộ mặt của nông thôn.

“Qua hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới và trong nước, chúng ta càng nhận thấy rõ và khẳng định vai trò của nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong lúc khó khăn, khu vực nông thôn lại trở thành chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng dang tay đón lao động từ các khu công nghiệp, các thành phố lớn quay trở về như thời gian vừa qua” – bà Thái nói, đồng thời cho rằng ngành nông nghiệp cũng cần phải thay đổi, phải cơ cấu lại để thích ứng với thực tiễn nhiều biến động và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Các mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu bền vững, kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Các giải pháp đưa ra cũng đã bám sát với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn khi là nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Dẫn các số liệu chứng minh, bà Hồng Thái đề nghị có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón và các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, trong nhóm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, 10 đề án quy hoạch liên quan chủ yếu sẽ phải hoàn thành trong giai đoạn 2 năm 2021-2022 đòi hỏi sự tập trung cao độ của bộ chủ trì và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 10 năm tới.

Theo đại biểu, cần đột phá trong chuyển dịch kinh tế hộ chủ yếu là nông dân thành kinh tế hợp tác hay hợp tác xã và thúc đẩy nâng cấp hợp tác xã thành doanh nghiệp hay kinh tế doanh nghiệp và tách lực lượng lao động phi nông nghiệp riêng nhằm góp phần hình thành hệ sinh thái hợp tác xã với doanh nghiệp, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn kinh tế mạnh, tạo liên kết vùng, chọn ngành lợi thế nhất làm trục để tương trợ nhau phát triển bền vững.

Cho nhau không tiếc nhưng không chịu liên kết

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) đánh giá cao ngành nông nghiệp gần đây với nhiều chủ trương, giải pháp, ý tưởng, nhận thức mới về nông nghiệp và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. 9 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể nông nghiệp vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết, thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thay đổi nhận thức của Nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp là rất cần thiết, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần. Theo đại biểu, điều tiên quyết là sửa đổi nhận thức của người nông dân.

“Nông dân mình có tính cần cù, sáng tạo, hào sảng. Nuôi được con cá, trồng được đám rau khi xảy ra dịch bệnh đem cho nhau hết mà không cần tính toán, nhưng khi làm ăn thì mạnh ai nấy làm, dấu nghề không chịu liên kết” – ông Trần Văn Sáu bày tỏ. Do đó, cơ cấu lại nông nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân để tăng cường liên kết.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, qua thực tế cho thấy việc đầu tư cho ngành nông nghiệp tập trung chưa cao vào hướng tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong khi đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập của người nông dân, những người làm nông nghiệp còn thấp và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay còn chủ yếu theo chiều rộng, dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất và nguồn lực tự nhiên.

“Mô hình này tạo được khối lượng nhiều và rẻ nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai tài nguyên chưa cao, nếu không nói là ở đâu đó còn lãng phí” – ông Dương Khắc Mai nêu quan điểm và lưu ý đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết người nông dân; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với giá cả thị trường trong nước và quốc tế, gắn sản xuất với chế biến, chế biến sâu vào thị trường tiêu thụ…/.