Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới vì đã có đầy đủ cơ sở; tạo động lực tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.
Phân bổ nguồn lực, can thiệp bình ổn giá xăng dầu
Lưu ý nền kinh tế của Việt Nam rất mở, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) kiến nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới, nhất là việc các nước đang tung ra các gói kích thích nền kinh tế làm tăng tổng cầu có thể khiến chi phí giá cả tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi.
“Đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu vì hiện nay xăng dầu tăng nhanh, chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên. Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu cần rà soát chỉ ra các nguyên nhân. Phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo" - ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khẳng định cơ cấu lại nền kinh tế “không chỉ cần thiết mà là rất cần thiết” và đặt ra 4 vấn đề cần quan tâm. Trước hết là phân bổ nguồn lực nội địa mất cân đối. Ví dụ vốn trong DNNN chiếm rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả trong khi tư nhân khó tiếp cận. Nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng như ĐBSCL, ven biển.
Nền kinh tế thiếu trụ cột tạo nên phát triển tự chủ và bền vững. Dẫn số liệu FDI chiếm phần lớn trong xuất khẩu, “tăng trưởng hộ các nước khác chỉ để nhận giá trị gia tăng rất nhỏ”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột như các tập đoàn mạnh không chỉ làm chủ trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Cũng theo đại biểu, tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế và thực tế các lĩnh vực, thậm chí từng hộ gia đình cũng đang có sự thay đổi từ chi tiêu đến phương thức hoạt động.
“Đương nhiên nền kinh tế đặt ra thay đổi nhiều hơn. Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0 nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng DN trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá chứ không phải giải pháp thông thường” – ông Hoàng Văn Cường nói.
“Không sao chép chỉ thị, nghị quyết một cách máy móc”
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), kết quả cơ cấu lại của các ngành, địa phương dưới vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội.
“Tôi tha thiết mong rằng các địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây. Không đưa vào kế hoạch, chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào” – đại biểu nêu ý kiến.
Về cách tiếp cận, ông đề nghị tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành, địa phương để từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi khơi thông và tạo nguồn lực phát triển mạnh và bền vững. Những mâu thuẫn dẫn đến các nút thắt đang hiển hiện trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, của nhân dân, ngăn cản sự phát triển.
Dẫn chứng điện là “máu” của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống người dân nhưng đại biểu cho rằng có sự mâu thuẫn lớn khi năng lượng sạch từ gió, mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài Nhà nước lại phải tạm ngưng phát, cắt giảm công suất gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Điện thì dư nhưng việc giảm giá hết sức khó khăn, khung giờ vàng cho sản xuất và phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm doanh nghiệp phải trả mức giá cao nhất.
“Nút thắt là do đâu mà bao nhiêu năm rồi nói mãi không sửa được” – ông Hậu đặt vấn đề và cho rằng trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước; từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá.
Khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn khi nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất rất lớn.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan kỳ 1 tháng 10/2021, đại biểu cho biết số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, nguyên liệu phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và thua lỗ.
“Tôi cho rằng kế hoạch cần đưa mục tiêu ngành nông nghiệp phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành từ đó tăng khả năng cạnh tranh” – nữ đại biểu đề xuất./.