Nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Nhật Bản, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - ông Đoàn Xuân Hưng.
dai-su-doan-xuan-hung.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - ông Đoàn Xuân Hưng (Ảnh: Hoàng Liên Sơn)
PV: Xin cảm ơn Đại sứ đã nhận trả lời phỏng vấn của Đài TNVN. Xin Đại sứ cho một số đánh giá về chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Phải nói đây là một chuyến thăm rất quan trọng của người đứng đầu nhà nước ta tới Nhật Bản. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước ta tới Nhật Bản và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của các nước đến Nhật Bản trong năm 2014. Như chúng ta biết thì thông thường Nhật Bản chỉ đón 2 cho đến 3 chuyến thăm như vậy trong một năm. Chuyến thăm của chúng ta là chuyến thăm đầu tiên thì riêng việc đó đã thấy có ý nghĩa.

Về thực chất, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam hiện nay đang rất tốt đẹp. Chúng ta đang có đà thúc đẩy quan hệ này trên mọi lĩnh vực, sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Nhật Bản lần này là với mục đích như vậy. Đó là củng cố tăng cường hơn nữa quan hệ vốn đã tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đó là quan hệ đối tác chiến lược và chúng ta thúc đẩy mối quan hệ đó toàn diện hơn, sâu sắc hơn với tầm nhìn dài hơn.

Cái thứ hai, trong rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đã và đang được mở ra, thì với chuyến thăm này, chúng tôi tin rằng sẽ có những bước đi thúc đẩy một cách cụ thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ hợp tác về ODA, đầu tư, cho đến chiến lược công nghiệp hóa, nông nghiệp, giáo dục đầu tạo, y tế... Nó sẽ được triển khai một cách rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Xin Đại sứ nêu một số nét nổi bật của quan hệ hai nước trong năm qua?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Nếu nhìn lại 2013 thì chúng ta có thể đánh giá những nét nổi bật ở 2 góc độ. Thứ nhất là chưa bao giờ chúng ta tổ chức những sự kiện quy mô như vậy để tổ chức kỷ niệm 40 năm, mà lại xuyên suốt cả năm, ở cả hai nước. Có nhiều điểm rất nổi bật. Ví dụ như mở đầu năm bằng chuyến đi thăm Việt Nam của ngài Thủ tướng Abe. Và kết thúc năm bằng chuyến đi thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật Bản. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã gặp nhau rất thường xuyên trong năm ngoái. Có lẽ cường độ gặp là nhiều nhất trong thời gian vừa qua.

Những sự kiện lớn được tổ chức ở hai nước rất nhiều. Đặc biệt sự kiện “Những ngày Việt Nam ở Nhật Bản” được tổ chức với quy mô lớn chưa từng có. Có lẽ đó là sự kiện lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài. Những sự kiện mà Nhật Bản và chúng ta tổ chức ở Việt Nam cũng rất nhiều với quy mô rất lớn trong suốt cả năm ở nhiều tầng lớp khác nhau. Giao lưu con người cũng rất nhiều. Tôi cho đây là năm rất thành công, tạo ra năm hữu nghị thực sự giữa Việt Nam và Nhật Bản. Người dân hai nước cảm thấy rất gần gũi, tin cậy lẫn nhau.

Điểm nổi bật thứ hai đó là tính thực chất của mối quan hệ. Phải nói rằng chúng ta đã tạo ra một đà hợp tác rất tốt giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế cho đến chính trị, an ninh-quốc phòng.

Về hợp tác kinh tế, chúng ta thấy quan hệ hai nước đã đi vào mọi lĩnh vực. ODA ở mức cao, đầu tư ở mức đứng đầu trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Về giáo dục đào tạo, lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản trong năm qua cũng tăng đột biến, chưa từng có, có thể nói tăng 3-4 lần so với trước đây, đạt con số kỷ lục. Người lao động Việt Nam được gửi sang Nhật làm việc cũng tăng mạnh, đạt trên 10.000 người một năm. Du lịch hai bên cũng tăng trưởng rất mạnh. Khoa học công nghệ cũng có nhiều bước khởi sắc. Giao lưu con người cũng tăng rất mạnh. Tức là các lĩnh vực về kinh tế, đầu tư, văn hóa, giáo dục được triển khai mạnh mẽ và thay đổi về chất.

Hợp tác về an ninh-quốc phòng giữa hai nước cũng ở mức sâu rộng, hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ nhiều vấn đề. Hợp tác về đối ngoại cũng như vậy.

Nói tóm lại, năm 2013 đã tạo ra một bước thay đổi về chất. Tôi cho đây là năm có ý nghĩa đặc biệt bởi sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực ở mức cao hơn nhiều, và với sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau tốt hơn. Có thể nói chúng ta đã có một đà mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PV: Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Nhật Bản đã cam kết viện trợ bổ sung 25 tỷ yên vốn ODA cho Việt Nam. Xin Đại sứ đánh giá về triển vọng cam kết ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trong năm tài chính 2014?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cam kết dành mức ưu tiên cao và cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam trong thời gian tới. Mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã ký kết với Nhật Bản 2 hiệp định vay vốn gồm ứng phó với biển đổi khí hậu và nâng cao năng lực quản lý cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam trị giá 25 tỷ yên (tương đương 250 triệu USD). Đây là nguồn cung cấp rất quan trọng để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách của Chính phủ Việt Nam.

Không chỉ dừng ở đó, ODA của Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tiếp tục được cung cấp cho chúng ta ở mức cao. Và trong dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Nhật Bản, hai nước sẽ ký kết một thỏa thuận mới về ODA cho giai đoạn 2 của năm tài khóa 2013. Và con số này sẽ rất ấn tượng, sẽ lớn hơn rất nhiều so với khi Thủ tướng Abe cam kết trong dịp tháng 12 năm ngoái. Tôi chưa muốn nói con số vội nhưng tôi muốn nói đó là sự cam kết đầy ý nghĩa và rất thiện chí của Nhật Bản hỗ trợ chúng ta trong quá trình phát triển trong thời gian tới.

PV: Chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đánh giá sẽ góp phần vào việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản. Xin Đại sứ đánh giá về triển vọng của mối quan hệ này cũng như định hướng trong năm 2014?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có đà rất tốt. Sự hợp tác của hai nước hiện nay được triển khai rộng khắp trên mọi lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, cũng có những lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều rộng. Trong năm 2014, chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa cả chiều rộng và chiều sâu mối quan hệ hợp tác này. Chúng ta sẽ triển khai mạnh mẽ chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, tranh thủ đầu tư của Nhật Bản vào những lĩnh vực mà chúng ta ưu tiên. Đấy là hướng chúng ta hết sức coi trọng.

Thứ hai, lĩnh vực nông nghiệp là hướng ưu tiên của chúng ta. Chúng ta sẽ triển khai tập trung để ngày càng có nhiều mối hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam hỗ trợ cho sự phát triển của nông nghiệp chúng ta. Tôi muốn nói đến yếu tố tạo ra hướng hợp tác cùng có lợi về lâu dài cho hai bên. Điều này rất quan trọng cần phải nhấn mạnh vì phía Nhật Bản rất quan tâm.

Thứ 3, lĩnh vực giáo dục đào tạo cần chuẩn bị cho sự hợp tác lâu dài để triển khai mạnh mẽ hơn. Từ việc tiếp nhận người Việt Nam sang học tập, làm việc ở Nhật Bản cho đến việc xây dựng các trường đại học, cơ sở đào tạo dạy nghề của Nhật Bản ở Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển.

Tiếp theo là khoa học công nghệ. Chúng ta cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về khoa học công nghệ và cả y tế. Giao lưu con người, du lịch cũng sẽ được tăng cường hơn nữa. Tổng thể các mặt về kinh tế sẽ đẩy mạnh hơn nữa về chiều sâu và chiều rộng.

Bên cạnh đó, hợp tác của hai nước còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như về đối ngoại, về an ninh quốc phòng sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn phù hợp với tinh thần của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tôi tin rằng năm 2014 và các năm tiếp theo, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, tốt đẹp và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của nước ta cũng như củng cố lợi ích của chúng ta trong quan hệ với tất cả các nước trên thế giới.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ!
./.