Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11. Nhân dịp này, Phóng viên VOV phỏng vấn ông Asano Katsuhito, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Bộ phòng vệ Nhật Bản về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Nhật Bản lần này?
Ông Asano Katsuhito: Theo tôi, đây là chuyến thăm tiếp nối của nhiều chuyến thăm Nhật Bản của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam gần đây, thực hiện trong bối cảnh Nhật Bản vừa hoàn thành bộ máy chính quyền mới. 5 năm trở lại đây, hầu như các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đều đã thăm Nhật Bản, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành chuyến công du vào năm 2015. Ở những nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rồi Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi vừa nhậm chức. Điều này thể hiện sự tin tưởng cao độ của quan hệ chính trị hai nước.
Và lần này, cả Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, nên chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam theo tôi sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện, cụ thể hóa những vấn đề mà hai bên đã ký kết. Nhất là trong thời gian vừa qua, do đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch, xuất khẩu lao động, thực hiện các dự án đầu tư…thì đây là cơ hội tốt để tái xúc tiến, mở rộng trong thời gian tới. Tôi được biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó đã thăm Nhật Bản một số lần trên những cương vị khác nhau, vì vậy, ông đã trở thành người Bạn thân thiết của Nhật Bản.
PV: Vậy theo ông, hai bên cần cụ thể hóa hợp tác ở những lĩnh vực nào?
Ông Asano Katsuhito: Việt Nam và Nhật Bản đến nay vẫn đang xúc tiến rất hiệu quả Sáng kiến chung Việt-Nhật. Mặt khác, hai nước đều là thành viên của các hiệp định kinh tế lớn như Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... nên có nhiều điều kiện để làm sao hoạt động đầu tư, thương mại mang lại lợi ích thiết thực nhất. Ví dụ, Nhật Bản là nước có công nghệ về đánh bắt, chế biến cá ngừ.
Trong khi đó, Việt Nam là số ít quốc gia có lượng đánh bắt cá ngừ lớn và đang xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc xuất khẩu đương nhiên là tốt, nhưng nếu có thể hai bên hợp tác xây dựng nhà máy chế biến thủy hải sản qui mô lớn tại các tỉnh ven biển Việt Nam như tỉnh Phú Yên chẳng hạn, thì nhà máy này sẽ tiêu thụ chính nguồn cá ngừ và các loại thủy hải sản khác. Điều quan trọng được chế biến ngay tại chỗ thì giá trị của 1 kg cá ngừ có thể tăng lên tới 10 lần. Từ đó Việt Nam đương nhiên sẽ có thị trường không những ở Nhật Bản mà cả khu vực Đông Nam Á…
Bên cạnh đó, Nhật Bản là nước đang rất thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng. Chỉ lĩnh vực điều dưỡng, Nhật Bản cần có khoảng 35.000 người. Hiện Việt Nam là thị trường lao động chỉ sau Trung Quốc, do đó, đây cũng là cơ hội hợp tác giữa hai bên, nhất là khi Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang thực hiện việc sống chung với đại dịch, và sau đại dịch thì nhu cầu nguồn nhân lực sẽ tăng vọt.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự tin tưởng và chân thành trong quan hệ hai nước là yếu tố quan trọng để mối quan hệ này luôn được duy trì ở mức tốt đẹp nhất, và hoạt động đầu tư thương mại phát triển cũng là điều mấu chốt.
PV: Vậy tại các Diễn đàn quốc tế thì sao, thưa ông?
Ông Asano Katsuhito: Rất tốt! và tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Bởi, qua những gì mà tôi theo dõi, Nhật Bản và Việt Nam đều rất đồng thuận trong các vấn đề quốc tế chung. Nghĩa là, Nhật Bản luôn ủng hộ Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng luôn coi trọng Nhật Bản. Trong các diễn đàn có sự tham gia của 2 nước, lãnh đạo hai nước thường xuyên có những cuộc gặp gỡ bên lề, cởi mở thảo luận, quyết định những vẫn đề liên quan. Ví dụ như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Anh, Thủ tướng của chúng tôi là ông Kishida Fumio cũng có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Việt Nam. Những cuộc gặp như này tuy thời gian không nhiều, nhưng hiệu quả là khá lớn. Theo suy đoán của tôi, thì chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được thúc đẩy nhanh cũng có yếu tố do cuộc gặp này.
Nhật Bản đang rất nỗ lực, quan tâm tới hợp tác với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, xác định Việt Nam có vai trò quan trọng trong khu vực này. Nhật Bản tôn trọng những quyết định của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam xử lý các khúc mắc dựa trên luật pháp quốc tế vì hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Tôi tin rằng, Việt Nam và Nhật Bản tốt đẹp “cả trong lẫn ngoài” vì lợi ích của người dân hai nước.
PV:Xin trân trọng cám ơn ông./.