Chiều nay (12/6), sau khi các thành viên Chính phủ kết thúc phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

ong-phuc_yrxp.jpg 

 

Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các vấn đề lớn của đất nước được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời đại biểu Quốc hội như về tình hình Biển Đông, việc hỗ trợ ngư dân, lao động việc làm, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Trước khi vào phần trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo làm rõ thêm một số nội dung về kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng...

Nghe báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Về tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó, Phó Thủ tướng cho biết:Theo Thông cáo của Quốc hội, từ đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan và triển khai lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục và kịp thời của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng ta đã tiến hành giao thiệp bằng nhiều hình thức với Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân ta đã dũng cảm kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan thông tin truyền thông trong nước và nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc. Nhiều chính phủ, tổ chức, diễn đàn, cá nhân, học giả nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ chính nghĩa và những biện pháp đấu tranh của Việt Nam; bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và phê phán mạnh mẽ các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chính phủ, nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Vừa qua, tại một số địa phương, người dân đã biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, trong đó kẻ xấu và một số người bị kích động đã có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương kiên quyết ngăn chặn, nhanh chóng ổn định tình hình, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm và bảo đảm vững chắc an ninh trật tự. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị thiệt hại. Tất cả các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, bảo đảm an ninh an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp, người nước ngoài tại Việt Nam và bảo đảm tốt môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng dự báo các khả năng có thể xảy ra, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cả trước mắt và lâu dài; theo dõi sát diễn biến tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ lớn với Trung Quốc như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, các dự án tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch...

Tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ, chính sách phù hợp đối với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân trên biển trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, Phó Thủ tướng khẳng định: ”Đây là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, trong kinh tế thị trường. Việt Nam chủ trương nhất quán tăng cường hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong các lĩnh vực này, cả song phương và đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và WTO vì lợi ích của mỗi nước”.

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta càng phải quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững.

Nghe đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng:

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) hỏi: Thưa Phó Thủ tướng, xin gửi tới ông 2 câu hỏi: Khi thảo luận tại hội trường về KT-XH nhiều đại biểu đã nêu nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. Xin hỏi Phó Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh, quốc phòng, không lệ thuộc nước ngoài?

Thứ hai, trước diễn biến tình hình Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một số phần tử xấu đã lợi dụng biểu tình, gây bạo loạn, đập phá, cướp tài sản của DN, gây bất bình trong dư luận, làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Xin hỏi Chính phủ đã và đang có những giải pháp gì khắc phục hậu quả, ngăn ngừa các sự cố đã xảy ra, lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam?

Đại biểu Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) hỏi:Thưa Phó Thủ tướng, Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội trình Quốc hội do Phó Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp được Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, nhất là những  nhận định, đánh giá trong báo cáo về trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, các tệ nạn và tội phạm xảy ra bức xúc trong nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí chưa thực hiện đạt yêu cầu. Thưa Phó Thủ tướng, hai vấn đề tội phạm chưa được chặn đứng và tham nhũng chưa bị đẩy lùi đang là bức xúc gây tâm trạng lo ngại, lo lắng, bất an, bất ổn, bức bối trong nhân dân. Là người được giao trách nhiệm chỉ đạo những lĩnh vực nóng, xin Phó Thủ tướng cho biết các giải pháp mạnh, quyết liệt, đột phá trong thời gian tới để chặn đứng tội phạm và đẩy lùi tham nhũng, nhất là tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng và trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm xây dựng lòng tin bền vững trong cử tri và dư luận xã hội. Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM): Kính thưa Quốc hội, trước hết, tôi bày tỏ niềm tin và sự đồng tình với những bước đi và đối sách của Đảng ta, của Chính phủ và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cũng thời gian đó, hai từ Việt Nam thân yêu của chúng ta được tin tức thế giới đưa tin rất nhiều và xuất hiện trên các trang truyền thông Quốc tế. Cờ tổ quốc được người Việt Nam ở nước ngoài và cả người nước ngoài phất cao tung bay ở nhiều thành phố, nhiều nước trên thế giới. Đúng là “Trong họa có phúc, trong thách thức có cơ hội”.  Vậy, Chính phủ làm gì để nắm bắt cơ hội này tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, để các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam là điểm đến, để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn?

Câu hỏi thứ hai:Hiện nay cử tri còn nhiều bức xúc mà Chủ tịch Mặt trận tổ quốc đã khái quát báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt là vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu đang gây tác hại nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, trật tự xã hội và sức khỏe của nhân dân. Chính phủ đã và sẽ có biện pháp gì để ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng trên? 

Nghe Phó Thủ tướng trả lời:

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:Tôi xin trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền. Chúng ta thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa. Đến nay, có thể nói chúng ta không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh điều này. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng, thì không thể độc lập hoàn toàn. Nhưng chúng ta có tinh thần xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, ứng phó với các tình huống… Chính vì vậy, giải pháp đặt ra trước hết phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Chúng ta có thế mạnh thu hút đầu tư, thời gian tới cần thu hút mạnh mẽ hơn, có chọn lọc hơn, đặc biệt là các dự án có hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao.

Thứ ba, nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh. Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.

Các vị đại biểu cũng biết, làm gì thì vấn đề quan trọng là thị trường. Chúng ta có chủ trương mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và xuất khẩu, phát triển nguyên liệu trong nước, phát triển thị trường nội địa.

Từ 2010, chúng ta đã đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường nào. Chúng ta có 6 hiệp định thương mại lớn. Sắp tới có thêm TPP, AFTA giữa Việt Nam với Nga, EU, Hàn Quốc. Đến 2015 có thêm 16 Hiệp định AFTA với 55 nước và vùng lãnh thổ… mở ra không gian rộng lớn cho thương mại phát triển đa dạng.

Chúng ta có chủ trương giữ quan hệ làm ăn, đầu tư, thương mại với Trung Quốc trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Câu hỏi thứ hai của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, làm sao lấy lại niềm tin sau những biến động vừa rồi. Chúng ta phải liên hệ trở lại nguyên nhân. Khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây bức xúc cho người dân; mâu thuẫn giới chủ- công dân; có tội phạm hình sự tham gia cướp bóc và có bàn tay chỉ đạo của kẻ xấu… Ngoài ra, còn có nguyên nhân điều hành, quản lý của chúng ta.

Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời lập lại trật tự nhanh chóng. Chúng ta đã tạm giữ hành chính gần 2 nghìn người; khởi tố 244 vụ và hơn 500 bị can với tội trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ. Chúng ta cũng đã bắt giam những kẻ cầm đầu.

Chúng ta cũng tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ DN như giải quyết vấn đề bảo hiểm tài sản, y tế, xã hội… Hỗ trợ những người lao động, thậm chí bổ sung lực lượng lao động cho DN.

Đồng thời, bổ sung một số chính sách mới như giảm thuế, giãn thuế, thuê đất, mặt bằng… nhất là các biện pháp về thủ tục hành chính. Ví dụ cấp phép đầu tư chỉ trong 1 giờ. Với những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, các địa phương, ngay trong thời gian ngắn đã phục hồi 80-90%. Cách đây vài ngày, Bình Dương đã có 100% DN trở lại hoạt động bình thường. Chúng ta đang nghiên cứu có chính sách đầu tư thuận lợi hơn.

Điều đáng mừng là các nhà đầu tư đã yên tâm làm ăn ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan… đã quay lại làm ăn ở Việt Nam.

Đấy là những việc chúng ta đã làm để đạt lại niềm tin. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền rất quan trọng. Các lực lượng chức năng nắm bắt tình hình kịp thời, chủ động đảm bảo an ninh, an toàn DN, tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho DN.

Việc vừa qua cũng là một kinh nghiệm tốt, cách xử lý nhanh tạo môi trường phát triển cho DN.

Về chất vấn của Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua đã phát hiện, xét xử điều tra nhiều vụ án tham nhũng lớn, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn, còn nhiều phức tạp, thách thức.
Biện pháp là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật; củng cố lực lượng trực tiếp chống tham nhũng; tổ chức tốt các hình thức tiếp nhận thông tin; thường xuyên kiểm tra đánh giá những lĩnh vực nhạy cảm; xác định trách nhiệm của người đứng đầu…

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi cả thế giới, kể cả các tổ chức, chính phủ đã rất ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vì chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Chúng ta cũng đã đấu tranh hòa bình. Việt Nam sẽ làm hết sức mình giữ mối quan hệ hòa bình, tôn trọng nhau để phát triển. Chúng ta cũng chủ động xây dựng, phát triển đất nước để bảo vệ Tổ quốc, giữ lại niềm tin ở lĩnh vực đầu tư và du lịch. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, mở rộng thị trường; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, chúng ta đã có một số biện pháp ngăn chặn nhưng trên thực tế, hoạt động này còn diễn ra nghiêm trọng. Chủ trương của Chính phủ là ngăn chặn, đẩy lùi quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Giải pháp trước hết là kiện toàn bộ máy của lực lượng chống buôn lậu; đấu tranh xử lý nghiêm một số vụ nghiêm trọng…

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn Phó Thủ tướng về thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết: khi tăng 1% GDP, giải quyết 300.000 việc làm. Năm 2014, phải giải quyết 1,6 triệu việc làm. Trong 1 năm, chúng ta có trên 400.000 SV ra trường, chưa kể khoảng 10.000 sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài. Mỗi năm chúng ta có 1 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động thì bức xúc về việc làm rất lớn.

Giải pháp là nâng cao chất lượng tăng trưởng; đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội, không thể đào tạo không có đầu ra; phải có chính sách hỗ trợ việc làm, chính sách xuất khẩu lao động tốt hơn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghe đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng:

Đại biểu Lê Như Tiếnđặt lại câu hỏi: Một trong những giải pháp hữu hiệu của phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản gia tăng của cán bộ công chức. Tài sản đã kê khai nhưng phải công khai tại nơi công tác, cư trú để nhân dân phát hiện, giám sát. Thời gian qua chúng ta có kê khai nhưng không công khai. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có bao nhiêu cán bộ cao cấp công khai minh bạch và phải giải trình về khối tài sản?Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có Nghị định về người đứng đầu và minh bạch tài sản. Việc công khai minh bạch chưa làm tốt chứng tỏ văn bản pháp luật là có nhưng triển khai ở một số cấp, ngành còn hạn chế. Do đó cần tiếp tục triển khai tốt công khai minh bạch và giải trình tài sản tăng thêm. Về số liệu cụ thể, chỉ có thể qua thanh tra vụ việc mới phát hiện được.

Chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thái Học về nguồn vốn hỗ trợ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biết và ngư dân.

Nghe phần trả lời chất vấn bổ sung của Phó Thủ tướng:

Phó Thủ tướng trả lời:Chủ trương của chúng ta dành 16.000 tỷ đồng cho kiểm ngư, cảnh sát biển, trong đó dành 10000 tỷ hỗ trợ ngư dân. Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh xây dựng Nghị định về vấn đề này (bao gồm nội dung bảo hiểm thân tàu như thế nào, lãi suất bao nhiêu, ân hạn…).

Đặc biệt, chính sách mới thế này thì phải cải cách hành chính tốt, tạo thuận lợi cho người dân. Chính phủ đã giao Chủ tịch 28 tỉnh có biển, cùng NHNN, NHTM thực hiện tốt, thủ tục thuận lợi, nhanh chóng. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thường xuyên việc thực hiện chương trình này. Đầu tháng 7 tới, sẽ có nghị định về hỗ trợ ngư dân...

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu thực trạng về lễ hội, Festival tràn lan, gây tốn kém cho xã hội, ngân sách Nhà nước và hướng khắc phục. Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết: Theo thống kê, một năm nước ta có gần 8000 lễ hội nhưng 88% là lễ hội dân gian. Trên tinh thần đó, chúng ta phải xã hội hóa lễ hội dân gian, kể cả Festival. Ví dụ như Festival Huế vừa rồi cũng là một dạng xã hội hóa lễ hội.

Đời sống văn hóa xã hội phải tôn trọng bản sắc văn hóa, tôn trọng pháp luật. Về thể chế quản lý, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 27 và Chính phủ có Nghị định 145 trên tinh thần tiết kiệm, chấn chỉnh, tăng cường văn minh trật tự tổ chức lễ hội. 

Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có phát biểu tổng kết toàn bộ hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 này. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Phiên chất vấn đã thành công. Chất vấn và trả lời chất vấn bình tĩnh, sáng suốt, thẳng thắn, giải đáp những vấn đề đồng bào cử tri cả nước, Quốc hội đặt ra. Qua theo dõi báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, đồng bào cử tri hài lòng với phiên chất vấn này.

Nghe kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật và thấy còn nhiều yếu kém cả về kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Quyết tâm của Quốc hội là đoàn kết toàn dân, phấn đấu với tinh thân cao nhất trong điều kiện khó khăn cũ đang còn, khó khăn mới lại xuất hiện nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các ngành, các cấp phối hợp để tiếp tục giải quyết những kiến nghị mà cử tri đặt ra ở phiên họp trước nhưng chưa thấu đáo. 
Quốc hội đã nhận thấy an ninh về nợ công đang bị đe dọa, là vấn đề cần được rà soát điều chỉnh, nghiêm túc xem xét thận trọng để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, rộng hơn là bảo vệ kinh tế vi mô ổn định, phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Quốc hội đã yêu cầu ngành giáo dục khẩn trương tìm mọi biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, xây dựng cho được đề án đổi mới toàn diện, căn bản Giaos dục-Đào tạo.

Quốc hội nhất trí thống nhất hệ thống pháp luật, thể chế mặc dù đã có rất nhiều công sức xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời gian qua nhưng hiện cần phải tiếp tục đổi mới theo tinh thần của Hiến pháp, công khai, minh bạch, rõ ràng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, Quốc hội một lần nữa thể hiện quyết tâm của mình, là nhiệm vụ sống còn, cấp bách, gian khổ, khẩn trương, kiên trì và có biện pháp và còn phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả hơn.

Sau phiên họp này, Quốc hội giao cho UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban sẽ lựa chọn một số chuyên đề, một số vị để tiến hành chất vấn tại kỳ họp của TVQH và nghe báo cáo giải trình của các vị bộ trưởng, trưởng ngành ở các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội"./.