Tỉnh Bình Định hiện có 180.000 đối tượng chính sách, trong đó có 32.000 liệt sỹ, hơn 26.000 thương binh. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, đời sống của người có công trên toàn tỉnh tương đối ổn định. Toàn bộ xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng, chăm sóc.

Tỉnh Bình Định hiện đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng trên 33.000 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân. Với nguồn kinh phí của nhà nước, hàng năm các địa phương trong tỉnh trích từ ngân sách địa phương tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ; qua đó, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Phúc, người có công tỉnh Bình Định mong muốn: “Tôi xin đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chăm lo hơn nữa đối với các gia đình liệt sỹ, mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh và gia đình gặp khó khăn. Với phẩm chất bộ đội cụ Hồ, nghị lực của người chiến sĩ cách mạng, chúng tôi sẽ tiếp tục gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị và có nhiều đóng góp hơn nữa để phát triển quê hương đất nước, làm tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo”.

Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trân trọng gửi lời thăm hỏi ân cần, thân thiết và tình cảm tốt đẹp đến các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Bình Định.

Tri ân công lao to lớn của người có công với cách mạng, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước không ngừng hoàn thiện các chủ trương, chính sách đối với người có công, để chăm lo cho người có công ngày càng tốt hơn. Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước, nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Định trong dịp này có đợt tuyên truyền sâu rộng về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Bình Định, đồng thời biểu dương những gương người có công tiêu biểu để tri ân đối với người có công; rà soát lại thực trạng công tác người có công trên địa bàn hiện nay; huy động các nguồn lực xã hội ngoài nhà nước để chăm sóc, đảm bảo các chính sách kịp thời, chính xác, công bằng với người có công.

“Đề nghị Sở Lao động thương binh xã hội có phối hợp với các địa phương rà soát, cập nhật thường xuyên thực trạng người có công trên địa bàn của mình để đề xuất có những chăm lo kịp thời. Những việc Đảng, Nhà nước, chính sách chưa bao trùm được hết được thì địa phương cố gắng chăm lo kịp thời cho người có công, đặc biệt là những người khó khăn để giúp cho mọi người có cuộc sống tốt hơn" - bà Võ Thị Ánh Xuân nói.

Phó Chủ tịch nước đồng thời cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định lưu ý đến các thế hệ con cháu người có công, tạo điều kiện cho các em học tập, rèn luyện lớn lên trưởng thành, trở thành những nguồn lực quan trọng để xây dựng quê hương Bình Định, đóng góp cho đất nước.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Bình Đinh làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; khẩn trương giải quyết hồ sơ tồn đọng./.