Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia. Tại nước ta hiện đang phải đối mặt với thực tế đó là, ngày càng nhiều chất thải phát sinh, trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn chính là tương lai là yêu cầu tất yếu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên thực hiện mô này hiện vẫn còn hạn chế.

Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường phát triển bền vững, cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

“Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng... Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.

Theo khảo sát bước đầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay việc thực hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn trong doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, năng lực và khả năng chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh tuần hoàn là thấp; khả năng đáp ứng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn còn rất hạn chế trên phạm vi cả nước. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như năng lực và nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cơ sở hạ tầng và khung khổ pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện đồng bộ…

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch (VCCI) cho rằng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng thấp hướng tới mức bằng 0 vào năm 2050 như cam kết Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương.

“Để vượt qua các thách thức, thúc đẩy việc chuyển đổi, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, giải pháp quan trọng là cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước, Chính phủ định hướng, tạo cơ sở pháp lý và chính sách rõ ràng cùng với việc tạo mô trường, cơ chế ưu đãi phù hợp để doanh nghiệp có động lực nâng cao nhận thức, từng bước đầu tư và phát triển năng lực chuyển đổi, phát triển sản xuất theo mô hình kinh doanh tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng các yêu cầu của xu thế phát triển mới”, ông Nghĩa nói./.