Hội nghị biểu dương Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã phường, thị trấn tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010-2015 chính thức diễn ra vào ngày 17/10 tại Hà Nội. Theo đó sẽ có 260 đại biểu là các cán bộ ở cơ sở là Chủ tịch UBMTTQ xã phường thị trấn có nhiều đóng góp trong hoạt động của Mặt trận được biểu dương.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời báo chí về công việc cũng như những đóng góp của đội ngũ làm công tác Mặt trận ở xã, phường.

Để khơi dậy lòng yêu nước thì phải đối thoại với dân

PV:Chủ tịch đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại xã, phường, thị trấn trong cả nước thời gian qua?
Ông Nguyễn Thiện Nhân
:
Chúng ta biết MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức như Đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu để làm trách nhiệm và quyền hạn mà Hiến pháp đã giao cho Mặt trận cũng như các văn kiện của Đảng đã giao cho Mặt trận.
ong_nhan_vavl.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Trong lịch sử, cách đây 85 năm khi Mặt trận ra đời thì nhiệm vụ đầu tiên là tập hợp đoàn kết nhân dân chung sức đồng lòng để đấu tranh giải phóng dân tộc theo sự lãnh đạo của Đảng. Cho đến bây giờ thì ý nghĩa đó vẫn là rất quan trọng trong công tác Mặt trận đó là khơi dậy lòng yêu nước.

Nhiệm vụ hàng đầu của công tác Mặt trận là khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân để tạo nên một sức mạnh tinh thần cho đất nước để làm nhiều việc khác nhau trong từng giai đoạn.

Thứ hai nhiệm vụ của Mặt trận chính xuất phát từ lịch sử của dân tộc Việt Nam là khi người dân đoàn kết lại, nhiều người tập hợp lại dù họ có hoàn cảnh khác nhau, họ đang làm việc khác nhau nhưng thống nhất việc chung cùng làm thì tạo nên sức mạnh mới, đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà bây giờ chúng ta có thể diễn đạt đó là khả năng làm chủ của người dân, khả năng tự tổ chức của người dân để lo việc nước, lo việc làng xã lo việc phường lo việc của gia đình mình. Chức năng thứ hai của Mặt trận là tập hợp đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi dân, lợi nhà.

Và càng ngày càng thấy rõ ràng Mặt trận có chức năng thứ ba là góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Có thể nói khái quát 3 việc lớn Mặt trận sẽ làm. 

Muốn khơi dậy lòng yêu nước thì phải nói chuyện, phải đối thoại phải gợi mở, phải nhớ lại chỗ nào gặp được dân, nói chuyện với dân nhiều nhất thì ở đó mới làm được khơi dậy lòng yêu nước. Muốn tập hợp đoàn kết nhân dân cùng bàn là chúng ta nên làm gì, làm như thế nào ở xã phường quân huyện cả nước thì nơi tập hợp đó chính là địa bàn dân cư ở xã, phường, ở khu dân cư.

Cho nên, lực lượng cán bộ Mặt trận ở 11.100 xã phường cả nước có vai trò vô cùng quan trọng. Chính họ, thông qua họ mới hiện thực hóa được chức năng của của Mặt trận giáo dục lòng yêu nước, vận động tập hợp nhân dân để làm những việc ích nước, lợi nhà cho mọi người.

Và ngày nay chúng ta biết để góp phần xây dựng Đảng chính quyền vững mạnh thì phải làm ở nhiều cấp nhưng nơi gần dân nhất có thể làm nhân dân vui nhất, hài lòng nhất nhưng cũng có thể làm nhân dân buồn nhất chính là cấp phường, xã. Ở đấy mặt trận phương xã góp phần rất quan trọng tạo cầu nối giữa chính quyền, đảng cơ sở với nhân dân và chính vì đặc điểm gần dân phải lắng nghe dân đối thoại với dân như vậy thì Mặt trận có một cấp tổ chức nữa mà không tổ chức nào có đó ở dưới phường xã còn có Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Cả nước có hơn 100.000 Ban công tác Mặt trận đây là lực lượng gần dân nhất. Để các Ban công tác Mặt trận này mà tất cả các trưởng ban này đều là người kiêm nhiệm cả mà có trên 50% là người đã lớn tuổi bằng kinh nghiệm sống, bằng uy tín làm công việc tập hợp nhân dân bàn với dân lo việc ở cơ sở thì chỗ dựa của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư chính là MTTQ xã, phường. T

Tóm lại MTTQ phường xã thông qua đội ngũ các Chủ tịch UBMTTQ có vai trò rất quan trọng trực tiếp để Mặt trận làm được 3 chức năng khơi dậy lòng yêu nước, tổ chức nhân dân tự quản và góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Và phải nói rằng là những người làm công tác này có một số là công chức nhưng có một số là người về hưu, cựu chiến binh làm chủ tịch Mặt trận nên rất đáng trân trọng. Nếu mà nói thì chúng tôi thấy rằng không có lời khen nào, lời cảm ơn nào mà gọi là quá nhiều đối với lực lượng cán bộ Mặt trận ở xã phường thị trấn và khu dân cư.

PV:Xin Chủ tịch cho biết hiệu quả hoạt động của UBMTTQ cấp xã, phường, thị trấn trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội trong thời gian qua như thế nào? 

Ông Nguyễn Thiện Nhân:Ở cơ sở có rất nhiều việc. Nếu Mặt trận làm gì để góp phần cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh đều tốt cả. Từ việc vận động người dân có ý thức tự thoát nghèo, hỗ trợ nhau giảm nghèo, Từ việc bằng sức của mình để tập hợp lại lo trật tự trị an địa bàn dân cư bằng việc tự sức mình giám sát và có biện pháp để cải thiện môi trường tốt hơn, bằng việc mà tổ chức lực lượng hoạt động duy trì văn hóa ở địa phương cũng rất quan trọng.

Còn ở lĩnh vực xây dựng chính quyền cơ sở thì chúng tôi thấy trước hết Mặt trận có một chức năng rất hay là công tác hòa giải. Ở cơ sở yên thì chính quyền mới yên, nếu mọi việc cứ giao hết cho chính quyền xử lý thì nhiều lắm. Mặt trận có truyền thống lâu nay đó là có Ban hòa giải ở cơ sở. Qua báo cáo hàng năm bình quân một xã phường họ hòa giải từ 50- 150 trường hợp ở cả nước. Nếu nhân ra với 11.100 phường xã thì nhiều việc lắm. Chính nhờ hoạt động hòa giải này làm cho cuộc sống bình yên.

Thứ hai chúng ta có Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở những công trình được xây dựng bằng ngân sách nhà nước hoặc có kinh phí địa phương đi qua địa bàn thì có góp phần giám sát. Chúng tôi thấy là bình quân một tỉnh một năm họ giám sát vài nghìn dự án và thông thường 60-70% có ý kiến và có khắc phục nếu có sai phạm. Đây là đóng góp rất là có ích.

Ngoài ra còn có Ban Thanh tra nhân dân hoạt động ở nhiều nơi MTTQ phối hợp làm cả hai Ban này. Có thể nói, thông qua đây chúng ta làm cho những cái chưa hài lòng, những bức xúc nho nhỏ ở cơ sở được giải quyết kịp thời góp phần tạo sự đồng thuận bình yên trong xã hội. Còn nếu nhìn dài hơn có định kỳ khi có ý kiến đóng góp ý kiến với những người được dân cử trong bộ máy chính quyền, đảng ở cơ sở thì Mặt trận cũng có vai trò tập hợp ý kiến của nhân dân rất là quan trọng. Chúng tôi cho rằng đó là mặt đóng góp tích cực của Mặt trận với xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở.

Công tác Mặt trận ở cơ sở không nặng quá về trường lớp tập trung

PV:Xin Chủ tịch cho biết nhiệm vụ phối hợp của MTTQ cấp xã, phường, thị trấn với chính quyền, các tổ chức thành viên cần thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thiện Nhân:Chúng ta thấy Mặt trận làm nhiều việc ở cơ sở nhưng cũng có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi cũng suy nghĩ là nên chọn khâu nào là khâu đột phá để phát huy được sức mạnh của nhân dân ở cơ sở. Một xã chúng ta có khoảng trên dưới 20 người làm cán bộ công chức xã nhưng có hàng nghìn dân, có hàng nghìn cặp mắt người ta nhìn thấy cái tốt thì người ta khẳng định thì mình yên tâm cái nào chưa tốt thì ta góp phần nói lên tiếng nói này.

Vừa qua, theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ nội vụ bắt đầu triển khai việc đánh giá sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của chính quyền của xã phường quận, huyện với 6 dịch vụ công. Khi Thủ tướng có chủ trương đó, thì tôi với tư cách là chủ tịch UBMTTQ Việt Nam có xin với Thủ tướng đề nghị cho Mặt trận cùng tham gia để việc đánh giá này khách quan hơn và Thủ tướng đồng ý.

Hiện nay ngành Nội vụ và Mặt trận đang phối hợp triển khai đánh giá hài lòng của người dân ở phường, xã, quận, huyện tại 20 tỉnh, thành phố. 

Mặt trận không có đoàn viên hội viên nhưng có tổ chức thành viên trong việc này chúng tôi mời Hội Cựu chiến binh là những người có uy tín địa phương có kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm công tác khách quan thì hiện nay Mặt trận và Hội cựu chiến binh cử người tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân. Đó là việc đang làm.

Vừa qua trong việc Chính phủ họp và HNTW 12 bàn về công tác 2016 trong việc cải cách hành chính có đề nghị một nội dung đó là làm thế nào phải đánh giá được sự hài lòng của người dân với phục vụ của bộ máy hành chính công chức coi đây là thước đo quan trọng trong hoạt động của bộ máy chính quyền. Chúng tôi rất mừng, hiện nay Mặt trận đang bàn tiếp vậy sau đánh giá thí điểm năm nay ở 20 tỉnh, thành phố thì 2016 thì làm ở bao nhiêu tỉnh thành phố và bao nhiêu phường, xã.

Tôi cho rằng nếu có một thông tin định kỳ chính xác về sự hài lòng của người dân ở mỗi một cấp về từng loại dịch vụ công thì chúng ta có cơ sở để bộ máy chính quyền rà soát lại công việc của mình chỗ nào tốt thì khẳng định mạnh mẽ đã làm tốt còn chỗ nào hạn chế phải khắc phục.

Vừa qua, một số tỉnh như Quảng Ninh, Bình Dương, TP HCM, Hà Nội ở cấp huyện, phường đã làm những trung tâm phục vụ hành chính công. Như ở Quảng Ninh họ có bảng phân loại mỗi người dân sau khi được phục vụ họ ấn nút đánh giá việc phục vụ họ hài lòng đến đâu, không hài lòng đến đâu và cập nhật kết quả đó hàng ngày. Tức là có sự xếp hạng sở nào phục vụ tốt. Hướng này Mặt trận bàn chúng tôi sẽ bàn với các đoàn thể từ năm 2016 việc đánh giá sẽ được triển khai rộng hơn có chiều sâu hơn làm cơ sở để Mặt trận cùng các tổ chức kiến nghị hoàn thiện việc quản lý hành chính công, phục vụ người dân.

PV:Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của MTTQ, xin Chủ tịch cho biết MTTQ Việt Nam có chủ trương và những giải pháp nào về đào tạo bồi dưỡng cán bộ mặt trận cơ sở cũng như giải quyết chính sách để họ yên tâm công tác?

Ông Nguyễn Thiện Nhân:Tôi có lần dự gặp mặt cán bộ Mặt trận tiêu biểu ở khu dân cư tại TP. Hồ Chí Minh thì phải nói hầu hết cán bộ Mặt trận là từ 45 tuổi trở lên và đa phần là 60 đến 70 tuổi rất nhiều các bác làm công tác mặt trận 10 năm, 20 năm rất gắn bó mà công tác Mặt trận ở khu dân cư hầu như là không có kinh phí, chỉ có phụ cấp trách nhiệm cho cả Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Điều mà các bác mong muốn nhất là có sự ghi nhận những đóng góp của các bác và các anh chị.

Trong thời gian trước, kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc thì chúng ta tặng nhưng có hạn chế số lượng theo từng tỉnh thành trong khí đó kỷ niệm chương có tiêu chuẩn chứ không hạn chế số lượng. Từ thực tiễn đó, năm vừa rồi MTTQ đã họp bàn và quyết định từ năm 2014 trở đi phải thay đổi cách tặng kỷ niệm chương những người nào đủ tiêu chuẩn thì tặng kỷ niệm chương chứ không có hạn chế mỗi một tỉnh bao nhiêu người nữa.

Chúng tôi cho rằng việc làm đó rất được hoan nghênh và cụ thể như mọi năm MTTQ cả nước chỉ xem xét và tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết cho cán bộ MT trước hết ở cơ sở khoảng vài ba nghìn mà chúng ta có 63 tỉnh thành và hơn 600 quận huyện, 11.000 phường xã nhưng năm nay đến bây giờ đã xét 14 nghìn kỷ niệm chương. Đây là trường hợp tồn đọng những năm trước và chúng tôi phải trao kịp thời vì các bác đã yếu lắm rồi. Việc đầu tiên là phải ghi nhận tinh thần xứng đáng với những người mà đã đóng góp vì lòng yêu nước vì sự nghiệp xây dựng đất nước ở cơ sở.

Thứ hai, chúng tôi qua thông tin luôn giới thiệu những tỉnh thành phố họ quan tâm đến công tác Mặt trận và vận động quần chúng thì họ bàn trong cấp ủy HĐND có phụ cấp cho những người kiêm nhiệm làm công tác Mặt trận và đoàn thể khác ở khu dân cư.

Và trong những cuộc họp và lãnh đạo Mặt trận đi gặp các tỉnh địa phương bao giờ chúng tôi cũng hỏi phụ cấp trách nhiệm của trưởng ban Công tác Mặt trận là bao nhiêu. Thông thường là từ 0,5 đến 1 có nơi dưới 0,5, chúng tôi cũng trao đổi để các đồng chí cân nhắc thêm. Chúng ta biết nếu sử dụng ngân sách nhà nước thì số lượng rất lớn. Chúng ta có hơn 11.100 phường xã và hơn 100.000  ban CTMT ở khu dân cư tôi cho rằng làm cả hai phần hỗ trợ điều kiện kinh phí và động viên tinh thần kịp thời.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận chúng ta biết những cán bộ làm Chủ tịch MTT phường xã, trưởng ban CTMT ở khu dân cư họ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người là nông dân tại chỗ có người là cán bộ phụ nữ chuyển sang có người là cựu chiến binh, có người trong ban chủ nhiệm HTX đặc biệt có nhiều người có đạo. Có người chủ tịch MTTQ xã có đạo Tin lành, công giáo họ cũng tham gia rất tích cực.

Như vậy, thông thường họ có kinh nghiệm vận động quần chúng nhất định nhưng ít qua trường lớp chúng tôi cho rằng cách bồi dưỡng tốt nhất ở địa phương mà các tỉnh họ đều làm đó là ban hành những cuốn sổ tay công tác Mặt trận cho phường xã khu dân cư hướng dẫn những loại hình cơ bản và chương trình công tác năm.

Thứ hai là họ có tập huấn ngắn hạn thường là tập huấn ở cấp quận mời cán bộ MT cấp phường xã khu dân cư tập huấn trong tập huấn hai ngày ngoài phần giới thiệu lý thuyết là một ngày để trao đổi kinh nghiệm. Đây là cách làm hay nhất.

Thứ ba là hàng năm ở địa phương có biểu dương điển hình cán bộ tốt thông qua đó để phổ biến. Lần này, trong mấy hôm tới chúng tôi có tổ chức Hội nghị biểu dương toàn quốc chủ tịch Mặt trận tiêu biểu của 5 năm qua đây là dịp để phổ biến kinh nghiệm điển hình. Tôi nghĩ rằng công tác Mặt trận ở cơ sở không nặng quá về trường lớp tập trung mà qua tình hình thực tiễn.

PV: Xin cảm ơn ông./.