“Khác với trước đây, hộ nghèo vẫn được hưởng chính sách của Nhà nước nhưng họ sử dụng ra sao thì không ai giám sát, nay mỗi đoàn thể nhận hỗ trợ những hộ nào thì phải có trách nhiệm đến khi họ thoát nghèo thì thôi”- ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh trong trả lời báo chí nhân Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 đến 18/11).
PV: Thưa ông, ngày 17/10 hàng năm là Ngày vì người nghèo. Ông có thể cho biết, Quỹ vì người nghèo những năm qua đã góp phần như thế nào vào công cuộc xóa đói giảm nghèo?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết sau những năm giải phóng, thống nhất đất nước, đời sống kinh tế xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, sau 25 năm giải phóng, vẫn còn một bộ phận đáng kể dân cư, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi vẫn còn nghèo. Một hộ nghèo sẽ kéo theo 4, 5 người trong gia đình cũng nghèo. Chính vì vậy, trong khi triển khai các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, MTTQ cùng các đoàn thể chính trị -xã hội tự nhận trách nhiệm chính mình cũng phải vận động để xã hội góp sức, góp trí tuệ, góp quyết tâm để hỗ trợ nhân dân nghèo thoát nghèo bền vững.
Chính vì vậy, ngày 17/10/2000, cách đây 16 năm, hưởng ứng ngày thế giới chống đói nghèo, MTTQ trên cơ sở thống nhất với Chính phủ đã triển khai cuộc vận động Ngày vì người nghèo, gắn với đó là hình thành Quỹ vì người nghèo ở cả 4 cấp trên phạm vi toàn quốc. Thông qua cuộc vận động, chăm lo cho người nghèo, chúng ta đã huy động được một lượng kinh phí rất đáng kể của xã hội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam |
Những kết quả đó đã được nhân dân cả nước ghi nhận, Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Trong 9 tháng đầu năm nay, hoạt động vì người nghèo đã vận động thông qua Quỹ "Vì người nghèo" 4 cấp số tiền là 945 tỷ đồng và hỗ trợ trực tiếp chương trình an sinh xã hội được 2.571 tỷ đồng. Qua đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp, hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa được 34.437 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình nghèo để có điều kiện sống tốt hơn; giúp hơn 149.000 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; hơn 1,2 triệu lượt người nghèo được khám, chữa bệnh; trên 295.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về học tập.
Những kết quả đó đã được nhân dân cả nước ghi nhận và được sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước. Năm 2016, trên cơ sở tổng kết 15 năm cuộc vận động vì người nghèo, MTTQ Việt Nam đã triển khai cuộc vận động mới kế tục cuộc vận động vì người nghèo và yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Theo đó, ngày 3/10 vừa qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ đã ký Nghị quyết liên tịch về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Trong đó làm rõ trách nhiệm của hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương và hệ thống Mặt trận cùng các tổ chức chính trị - xã hội để huy động lực lượng xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
PV: Thưa ông, cuộc vận động này có điểm gì mới so với cuộc vận động vì người nghèo mà chúng ta đã triển khai hơn 15 năm qua?
PV: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Từ thực tiễn 15 năm tổ chức Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và vận động Quỹ vì người nghèo, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, MTTQ sẽ có những hoạt động, giải pháp nào góp phần cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, thưa ông?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Ngày 2/9 Thủ tướng Chính phủ đã ký Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 thì đến 3/10, Thủ tướng Chính phủ ký với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nghị quyết liên tịch vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Như vậy so với cũ có điểm mới là khác về cách làm.
Trước kia Mặt trận vận động, chính quyền làm song song. Còn bây giờ là chương trình phối hợp liên tịch suốt 5 năm giữa Chính phủ và Mặt trận. Thông qua chương trình ký kết, hai bên làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương, bảo đảm không để sót các hộ nghèo mà không có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và Mặt trận các cấp. Khác với trước đây, hộ nghèo vẫn được hưởng chính sách của Nhà nước nhưng họ sử dụng ra sao thì không ai giám sát, nay mỗi đoàn thể nhận hỗ trợ những hộ nào thì phải có trách nhiệm đến khi họ thoát nghèo thì thôi.
PV: Thưa ông, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn cao. Ngoài chính sách của nhà nước thì việc huy động nguồn lực xã hội để giúp người nghèo thoát nghèo rất quan trọng. Mặt trận sẽ đổi mới phương thức huy động như thế nào trong thời gian tới để đạt tới hiệu quả cao nhất?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Theo chuẩn nghèo mới, cả nước hiện nay có hơn 2,3 triệu hộ nghèo; 1,2 triệu hộ cận nghèo. Như vậy, với 3,5 triệu hộ nghèo và cận nghèo cả nước thì có khoảng 14 triệu người dân Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi nghèo và cận nghèo, tức là chiếm khoảng 15% dân số. Đây là thách thức rất lớn.
Tới đây triển khai cuộc vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thì phương châm chính là kết hợp nguồn lực. Nguồn lực của nhà nước, nguồn lực của bản thân các hộ, nguồn lực của xã hội thông qua vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhất là quỹ vì người nghèo. Hiện nay, Quỹ vì người nghèo làm cả ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thì sắp tới tiếp tục vận động, làm rõ hơn mục tiêu chi. Chúng ta sẽ dành phần đáng kể trên dưới 50% để chi cho nhu cầu rất cơ bản của con người: nhà ở; ốm đau; điều kiện sản xuất... Mục tiêu là giúp người nghèo có nhà ở tốt hơn, rồi những dịp lễ tết, khi ốm đau, khi người nghèo rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… thì có thể hỗ trợ nhanh từ Quỹ vì người nghèo. Quỹ cũng dành một phần để hỗ trợ điều kiện sản xuất cho dân.
Ngày 17/10, Mặt trận triển khai Tháng cao điểm Vì người nghèo như truyền thống hằng năm để vận động các doanh nghiệp, ngân hàng, những người có điều kiện, có tâm đóng góp vào quỹ hỗ trợ người nghèo. Năm nay có nét mới là ngoài mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ sản xuất, lễ tết thì có một đơn vị là Tập đoàn Vingroup đã cam kết hỗ trợ phẫu thuật từ thiện cho người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo ở các cơ sở y tế thuộc hệ thống của Vingroup (bệnh viện Vinmec). Riêng nội dung hỗ trợ phẫu thuật từ thiện này tập đoàn Vingroup ủng hộ 300 tỷ đồng. Đây là đóng góp có quy mô rất lớn và có tính đột phá của các doanh nghiệp cho Quỹ vì người nghèo.
Chúng tôi tin rằng với truyền thống nhiều năm qua mà các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đóng góp cho Quỹ vì người nghèo, tới đây sẽ có những đóng góp mới, sáng tạo mới để cuộc vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong năm 2016 cũng như 5 năm tới.
PV: Xin cảm ơn ông./.