Kể từ năm 2010, hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã tiến hành 4 phiên đối thoại quốc phòng.

Lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội ngày 27/11/2010; lần thứ hai tại Bắc Kinh ngày 28/8/2011; lần thứ ba tại Hà Nội ngày 3/9/2012; và lần thứ tư tại Bắc Kinh ngày 5/6/2013.

sang_copy.jpg
Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 6 năm nay đã góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước

Mỗi phiên đối thoại đều có chủ đề và nội dung xác định. Tuy nhiên, nhìn tổng thể hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trên các vấn đề cốt yếu sau:

Tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng “lòng tin chiến lược”

Thông qua đối thoại hai bên đã thảo luận và nhất trí về việc phải tạo dựng niềm tin lẫn nhau “Không có lòng tin chính trị thì không thể hợp tác phát triển, cũng không thể giải quyết bất đồng”.

Nhận thức rằng, vì đại cục quan hệ Việt-Trung, việc cấp bách hai bên cần làm là tiếp tục hợp tác, đối thoại tăng cường lòng tin chính trị giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Hai bên cũng nhấn mạnh, tình hữu nghị Trung-Việt là tài sản quý báu và đáng trân trọng của nhân dân hai nước, có được là không dễ dàng. “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng. Láng giềng thì không thể chọn nhưng mối quan hệ hợp tác thì có thể chọn được” để hướng tới sự tốt đẹp hơn.

Quân đội Việt Nam và Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhau và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi bên.

“Lòng tin chiến lược” là phải thực sự chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của mỗi quốc gia, bình đẳng giữa các nước không kể là nước lớn hay nước nhỏ.

Hai bên khẳng định tiếp tục thúc đẩy đối thoại quốc phòng, đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu, tham vấn ở các cấp để tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, chung tay xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa hai quân đội của hai nước, nhằm vun đắp cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Những giải pháp quan hệ thiết thực và hiệu quả

Thông qua đối thoại quốc phòng, hai nước đã củng cố được nhận thức chung, trao đổi các biện pháp tăng tường tin cậy lẫn nhau; khẳng định quan điểm trước sau như một của hai bên thúc đẩy thực hiện các tuyên bố và thỏa thuận cấp cao về quan hệ quốc phòng.

Trên tinh thần đó, quân đội hai nước trong những năm qua đã đẩy mạnh giao lưu, trao đổi các đoàn làm việc và thăm viếng lẫn nhau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học quân sự, đào tạo, hợp tác hải quân, biên phòng, thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội hai nước đã xác định, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến nay, hai bên đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận làm tăng tính pháp lý của quan hệ quốc phòng hai nước. Trong tháng 6 vừa qua, hai nước đã ký 2 văn kiện quốc phòng quan trọng: Thỏa thuận hợp tác biên phòng, Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt-Trung. Đây là những văn kiện góp phần củng cố khu vực biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam, cho đây là một trong ba điểm sáng trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, góp phần quan trọng tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau và làm dịu đi những vấn đề phức tạp, nhạy cảm còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước theo hướng tích cực.

Hai bên đã thỏa thuận hợp tác hải quân, quán triệt tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân lao động trên biển; tăng cường hợp tác thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần thứ 4, hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng.

Bản Thỏa thuận hợp tác biên giới giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt-Trung gồm 2 phần, 9 điều và phụ lục kèm theo, trong đó, tập trung vào 4 nội dung chủ yếu và 6 giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội hai nước là những kết quả nổi bật của đối thoại quốc phòng trong những năm qua.

Tôn trọng chủ quyền của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế

Qua đối thoại quốc phòng, Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ đại cục với Trung Quốc và mong muốn tìm được giải pháp “cùng thắng”.

Giải quyết vấn đề phải tôn trọng lịch sử và phải tuân thủ luật pháp quốc tế và xử lý trên bình diện quốc tế; những vấn đề liên quan đến nhiều nước cần phải giải quyết giữa những nước liên quan; những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước cần giải quyết song phương.

Tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề đại cục trong quan hệ Việt-Trung và là vận mệnh chung của hai nước, hai dân tộc. Giải quyết vấn đề này tuy khó khăn, rất nhạy cảm và lâu dài, nhưng với thiện chí, nỗ lực của cả hai bên, trên tinh thần hữu nghị truyền thống, tôn trọng lẫn nhau, công khai minh bạch, hai bên nhất định sẽ tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng được lợi ích chính đáng của cả hai nước, hai dân tộc.

Hai bên thỏa thuận, quân đội hai nước cần tạo môi trường hòa bình trên Biển Đông, giữ nguyên hiện trạng, tránh có những hành động có thể gây hiểu lầm; tiến tới ký thỏa thuận bằng văn bản không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa quân đội hai nước.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở những khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế quy định, và về lâu dài sẽ tìm giải pháp xử lý mà hai bên có thể chấp nhận được, “trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực".

Thống nhất về cơ chế đối thoại

Hai bên nhất trí xem đối thoại quốc phòng như cơ chế đóng góp tích cực cho quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng như cho mối quan hệ chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng nền hòa bình bền vững, ổn định giữa hai nước nói riêng, đóng góp cho hòa bình khu vực nói chung.

Hai bên đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng giữa quân đội hai nước thời gian qua và khẳng định Đối thoại chiến lược về quốc phòng-an ninh giữa quân đội hai nước là cơ chế hợp tác quan trọng, góp phần vào tăng cường hiểu biết, tin cậy cao hơn về chính trị trong quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề hơn nữa, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hai bên cho rằng, dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt và thỏa thuận cấp cao, quan hệ giữa Đảng, nhà nước và quân đội hai nước tiếp tục phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, góp phần cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.