Sau 9 năm chống Pháp trường kỳ gian khổ, tháng 10/1954, từ Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội.
Tháng 12/1954, người về ở và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ điện cho Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây (gọi lại Nhà 54). Đến tháng 5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về sống và làm việc tại Nhà sàn trong 11 năm (từ tháng 5/1958 đến tháng 8/1969) .
Nhà sàn Bác Hồ, di tích đặc biệt trong quần thể di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Hoàng Thái). |
Nhà sàn Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch là minh chứng rõ ràng nhất về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về cuộc sống đời thường của một vị lãnh tụ cách mạng giản dị mà vĩ đại.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói rằng: “Nhà sàn đơn sơ của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”- (trích phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Lễ Mít tinh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1970 tại Hà Nội).
Không gian trưng bày được thiết kế thành 3 phần. Phần 1 là sưu tầm những hoạt động của Người ở Chiến khu Việt Bắc gắn liền với những nếp nhà sàn Chiến Khu.
“Nhà Bác đơn sơ một cách lạ lùng. Ấy là ngôi nhà sàn có 6 chân cột. Đứng dưới đất có thể với tay tới. Khi lên thang phải lom khom mới vào nhà được. Nhà sàn chỉ rộng bằng hai bộ phản vừa đủ chỗ mắc màn, dưới sàn là một bếp lửa. Ngoài hàng hiên kê một chiếc bàn thấp, nhỏ, đã cũ. Bác vẫn ngày ngày ngồi xếp bằng làm việc trên chiếc bàn đó. Sau lưng vách chỗ Bác ngồi, có mắc những ống tre để các công văn các nơi gửi đến” - (Trích Hồi ký họa sĩ Diệp Minh Châu).
Tại không gian ở phần 1, khách tham quan sẽ thấy hình ảnh nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên lãnh đạo kháng chiến chống Pháp từ ngày 20/5/1947-Lán Khau Tý.
Một bức ảnh ấn tượng trong thời kỳ này là chân dung Bác đang ngồi suy tư bên cửa sổ Nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc, với ngọn núi ở phía xa xa: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà". |
Nhiều khách đến tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch xúc động khi ngắm nhìn lại những bức hình bình dị của Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
“Đây là triển lãm có ý nghĩa thiết thực giáo dục người dân Việt Nam về truyền thống, về tấm gương giản dị của Bác Hồ. Chúng tôi rất xúc động khi lần đầu tiên ra Hà Nội, vào viếng Bác và tham quan khu di tích, tham quan không gian triển lãm hôm nay” - bà Lê Thị Ngọc Nhung, một khách tham quan đến từ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xúc động bày tỏ.
Anh Phạm Phong Lai, nhân viên Công ty Thuốc Bảo vệ thực vật Arysta Kiên Giang: “Từ trước đến nay em chỉ biết Bác qua sách, báo là chính vì em là người con của miền Nam mà. Hôm nay qua đây, thấy được cuộc đời hoạt động của Bác rất giản dị, gần gũi”.
Phần 2 của không gian triển lãm giới thiệu Nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Bức hình đề dẫn viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân? Xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của thời đại chúng ta”- (trích sách “Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh” của Nhà văn Renaldo Pateros).
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại tầng 2 nhà sàn, năm 1960. |
Ở không gian này, hơn 30 bức ảnh được đơn vị sưu tầm, trưng bày đã khắc họa hình ảnh Bác với ngôi Nhà sàn giản dị, minh chứng rõ một giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác.
Tại ngôi Nhà sàn này, Bác đã viết hơn 700 tác phẩm. Có những tác phẩm viết tại Nhà sàn hiện nay đã trở thành “bảo vật Quốc gia” như tác phẩm “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” và “Bản Di chúc” của Bác viết từ tháng 5/1965 đến năm 1969.
Cũng tại ngôi Nhà sàn này, tháng 12/1958, Bác đã viết tác phẩm “đạo đức Cách mạng”, Tác phẩm khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, chỉ rõ kẻ thù, những nguy cơ của đạo đức cách mạng, đồng thời nêu rõ những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa căn bệnh đó.
Bản thảo tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng". |
Phần 3 trưng bày những bức ảnh phản ánh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế. Trong đó bao gồm những bức ảnh phản ánh về công tác bảo tồn Nhà sàn từ khi Bác mất, những bức ảnh ghi lại cảnh nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, những đoàn khách quốc tế đến thăm Nhà sàn.
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng sưu tầm, kiểm kê tư liệu-Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, ý tưởng trưng bày các bức ảnh cuộc đời hoạt động của Bác tại Nhà sàn Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch nhằm thiết thực kỷ niệm 60 năm hình thành Nhà sàn Bác Hồ. Tổng số triển lãm là gần 200 bức ảnh. Để có những bức ảnh quý trưng bày tại triển lãm, đơn vị sưu tầm đã liên hệ với nhiều địa chỉ, từ An toàn khu Việt Bắc, Thông Tấn Xã Việt Nam và nhiều tác giả, tiến hành sưu tầm từ tháng 1/2018.
Nhân dân trong và ngoài nước luôn hướng về địa chỉ Phủ Chủ tịch để tận mắt tìm hiểu, chứng kiến cuộc đời giản dị, thanh cao của Bác Hồ. (Ảnh: Hoàng Thái). |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dương, đến thời điểm 2018, Nhà sàn đã đón hơn 72 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình (tháng 11/2017), Tổng thống Mỹ Barack Obama (tháng 5/2016) và nhiều nguyên thủ các quốc gia khác. Nhà sàn Bác Hồ hiện nay đã được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt trong khu di tích quốc gia đặc biệt Phủ Chủ tịch./.