Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 7 năm ngày thành lập Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, tại thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga đã diễn ra một loạt các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Người.

nga4_vov_jfds.jpg
Hoạt động kỷ niệm sinh nhật Bác tại thành phố St. Petersburg, Nga.

Ngày 19/5, lễ đặt hoa được tổ chức trang trọng trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên trường Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg. Tham dự buổi lễ có đại diện chính quyền thành phố, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo và sinh viên khoa Phương Đông học trường Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, các cựu chiến binh Nga, đoàn công tác của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Hội người Việt, cùng đông đảo bà con cộng đồng và sinh viên Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống tại thành phố St. Petersburg.

Trong tiếng trầm hùng của quốc ca Nga và Việt Nam, những lẵng hoa và bông hoa tươi thắm được các đại biểu kính cẩn nghiêng mình đặt trước tượng Bác, như tấm lòng biết ơn của cộng đồng người Việt và bạn bè Nga tại thành phố St. Petersburg đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo kiệt xuất, anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân Việt Nam và danh nhân văn hoá thế giới.

Nhân dịp này, Thống đốc tỉnh St. Petersburg Georgi Poltavchenko cũng gửi thư chúc mừng những người tham dự lễ kỷ niệm, đồng thời nhấn mạnh rằng sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương Nga - Việt.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó hiệu trưởng phụ trách công tác đối ngoại của trường Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg Sergei Andryushin nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của lễ tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam, mà của nhân dân toàn thế giới.

Ông Andryushin đánh giá cao hoạt động của Viện Hồ Chí Minh trực thuộc trường, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm quan trọng việc nghiên cứu di sản của Người vì những đóng góp to lớn của Người vào công cuộc xây dựng nước Việt Nam hiện đại. Di sản của Người cho đến ngày nay vẫn giúp giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của thế giới”.

Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay là triển lãm nhỏ của cố hoạ sỹ Aleksei Kuznetsov được tổ chức tại trụ sở chính quyền thành phố St. Petersburg, ngay cạnh phòng làm việc của lãnh tụ phòng trào cộng sản Nga và thế giới Vladimir Ilich Lenin. Trong thời gian công tác tại Việt Nam vào những năm 1960-1962, ông Kuznetsov đã sáng tác hơn 100 tác phẩm, và gây ấn tượng nhất là những bức tranh vẽ về Bác Hồ.

Bà quả phụ Olga Kuznetsova và chị Olga con gái của cố hoạ sỹ cho biết, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giản dị của Người qua những lần được gặp Bác, hoạ sỹ Kuznetsov đã sáng tác bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc trên chiếc bàn tre tại phủ Chủ tịch và đặt tên là “Bác Hồ”.

Mặc dù cả 2 mẹ con đều chưa được đặt chân đến Việt Nam, nhưng qua những câu truyện kể của hoạ sỹ, đời sống của nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đã trở nên cuốn hút và gây ấn tượng mạnh.

Dù đã mất vào năm 1993, nhưng cho đến cuối đời hoạ sỹ Aleksei Kuznetsov vẫn coi thời gian làm việc tại Việt Nam và những bức tranh ông vẽ tại đây vẫn là mốc rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình.

Chị Olga con gái cố hoạ sỹ bày tỏ: “Cuộc triển lãm nhỏ của hoạ sỹ Aleksei Kuznetsov tại đây nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất có ý nghĩa. Nó không chỉ giới thiệu đến mọi người tình yêu của ông đối với Việt Nam, với Bác Hồ, mà còn đóng góp một phần nhỏ vào nền văn hoá Việt Nam bằng các bức hoạ của mình”.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học với tiêu đề “Hồ Chí Minh và 100 năm cách mạng tháng Mười Nga”.

Trước đó, ngày 18/5 tại Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg đã diễn ra Hội thảo khoa học với tiêu đề “Hồ Chí Minh và 100 năm cách mạng tháng Mười Nga” nhằm kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 7 năm ngày thành lập Viện này.

Tham gia hội thảo, ngoài lãnh đạo và sinh viên chuyên ngành tiếng Việt, khoa Phương Đông học của Đại học tổng hợp St. Petersburg và các nhà Việt Nam học, còn có Đoàn đại biểu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm 7 người do đồng chí Phó Giám đốc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý dẫn đầu.

Gần 10 tham luận tại hội thảo đã nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam; phân tích và nêu bật tầm vóc và ý nghĩa, giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga, đặc biệt là về tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong quá trình chọn lựa một hệ tư tưởng cho Cách mạng Việt Nam kể từ buổi ban đầu còn khủng hoảng về đường lối, đồng thời khẳng định cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Bác luôn là tấm gương sáng soi rọi trong hơn 100 năm qua, và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi trường tồn./.