Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, thành ý thức tự giác, mỗi người phải có trách nhiệm hàng ngày tự giác tu dưỡng, rèn luyện bằng những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất tùy theo nghề nghiệp, chuyên môn của mình.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng |
Tuyên truyền kịp thời các tấm gương
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung: Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta triển khai từ năm 2007 bắt đầu từ Chỉ thị 06, đến năm 2011 là Chỉ thị 03. Qua thời gian gần 10 năm, là một nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh và qua khảo sát thực tiễn một số địa phương, tôi thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai khá bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu và cũng đã đem lại những kết quả nhất định.
Cụ thể, qua việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chính sự chuyển biến này mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có ý thức và thái độ tích cực hơn trong hoạt động cũng như công việc của mình.
Thứ hai việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ đã góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị… Qua việc học tập này, cán bộ, đảng viên, nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ ba, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp một phần vào việc ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đó là ba kết quả lớn đạt được qua việc học tập và làm theo tư tưởng,tấm gương Bác Hồ.
PV:Bác Hồ từng nói “cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại".... Chỉ dẫn đó đã được thực hiện như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung:Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị ở thời điểm đó, mà còn có giá trị trong tình hình hiện nay. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của những chỉ dẫn của Bác, Đảng ta đã quán triệt, vận dụng và triển khai thực hiện Chỉ thị 03 theo chủ đề từng năm.
Cụ thể như năm 2011-2012: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cấn kiệm liêm chính, chí công vô tư, làm người công bộc, tận tụy, trung thành của nhân dân; Năm 2013 là Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương; Năm 2014 là Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi dôi với làm; Năm 2015 là Trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa được như chúng ta mong muốn.
PV: Theo bà, làm sao để cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiệu quả và thiết thực hơn, tránh nặng về hô hào, phong trào?
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung:Để cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực, theo tôi cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuyên truyền cần kịp thời, thiết thực và cần dành thời lượng thích đáng. Cần đổi mới phương pháp, tập trung vào “làm theo” Bác và tập trung vào thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, phải gương mẫu, đi trước và làm gương. Bởi vì người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, hay cách tổ chức thực hiện chưa sâu sát, chưa có những tiêu chí cụ thể, cách đánh giá, cách kiểm tra cụ thể sẽ khó đạt được kết quả cao.
Vì vậy, yêu cầu trong thời gian tới là mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải nêu gương bằng những việc làm hết sức cụ thể, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tự mình gương mẫu học trước, làm trước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm.
Cán bộ càng nêu gương càng làm tăng niềm tin trong toàn nhân dân. Sự nêu gương đó từ việc nhỏ đến việc lớn, nhưng những việc hàng ngày biểu hiện trong ứng xử với cán bộ, đảng viên, giao tiếp nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội là dễ nhận thấy nhất.
Ngoài ra, theo tôi, để cuộc vận động hiệu quả và thiết thực hơn cần có sự phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, ban ngành, địa phương… trách việc “khoán trắng” cho Tuyên giáo.
PV: Chúng ta có nhiều cán bộ, lãnh đạo liêm khiết, hết lòng vì dân, đó là những tấm gương học tập, làm theo Bác một cách thiết thực nhất. Tuy nhiên, dường như việc biểu dương, tuyên truyền về những tấm gương đó chưa được chú trọng và có hiệu quả. Quan điểm của bà về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung:Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc tự mình làm gương, mà luôn quan tâm đến việc nêu nhiều tấm gương người tốt, việc tốt để đảng viên và quần chúng noi theo. Người luôn theo dõi những điển hình tiên tiến được phản ánh trên các báo, cả báo Trung ương, địa phương, các ngành, để tổng hợp và tìm cách nhân rộng. Bởi theo Bác "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Tuy nhiên, đúng là thời gian qua có rất nhiều cán bộ, lãnh đạo học tập và làm theo Bác, song, việc biểu dương các điển hình này chưa kịp thời. Theo đó, trong thời gian tới cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, biểu dương, khen thưởng thường xuyên, đồng bộ. Cán bộ phải bám sát thực tế, đánh giá đúng, ghi nhận kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.
Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh
Chú trọng việc “làm theo” Bác
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung:Việc học tập Bác đã khó, nhưng làm theo Bác còn khó hơn. Nhưng theo tôi, học theo gương Bác, mỗi cấp ủy, địa phương, đơn vị cần lựa chọn những nội dung càng cụ thể, thiết thực thì càng dễ làm. Và khi đã dễ làm thì ai cũng làm được và dần dần, nó sẽ trở thành hành động tự thân của mỗi tập thể, cá nhân.
Với tinh thần và thái độ nghiêm túc, trước tình cảm lớn lao mà Bác Hồ đã dành cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng ta phải có trách nhiệm hàng ngày tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng những việc làm nhỏ nhất thiết thực tùy theo nghề nghiệp, chuyên môn của mình, chú trọng việc “làm theo” Bác. Việc của mình là học tập thì hãy học tập tốt; việc của mình là chăm sóc bệnh nhân thì hãy chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng; việc của mình là dạy học thì hãy dạy học cho tốt… Mỗi người làm tốt công việc được giao cũng chính là học và làm theo tấm gương của Bác.
PV: Hiện nay, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp 2016-2021. Theo bà, tư tưởng nào của Bác có thể áp dụng vào công tác cán bộ để lựa chọn được những người thực sự đại diện cho tiếng nói của nhân dân?
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung:Bác Hồ đã từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, những chỉ dẫn của Bác Hồ về công tác cán bộ sẽ ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá, lựa chọn người đủ đức và tài vào cơ quan dân cử.
Để lựa chọn đúng người đủ đức, đủ tài, thực sự đại diện cho tiếng nói của nhân dân, chúng ta cần phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ có vai trò rất quan trọng. Đánh giá đúng cán bộ là căn cứ để sử dụng cán bộ có hiệu quả. Đánh giá cán bộ còn là căn cứ cho công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy, mà còn nhằm thấy cái dở của họ để tìm cách giúp đỡ, khắc phục.
Thứ hai là tin tưởng cán bộ và sử dụng đúng cán bộ. Yêu cầu của dùng cán bộ rất đơn giản là “tùy tài mà dùng người” – giao cho cán bộ những công việc phù hợp với năng lực của họ. Biết tùy tài mà dùng người thì sẽ phát huy được tài, do đó mà công việc thành công. Biết tùy tài mà dùng người không những tránh lãng phí người tài, mà còn có tác dụng tích cực, làm cho người tài ngày càng nhiều thêm, bởi dùng người đúng năng lực, sở trường sẽ phát huy được cái hay của mỗi người, do đó mà cái dở ngày càng bị đẩy lùi, tài năng của cán bộ ngày càng được rèn luyện, phát triển.
Thứ ba là có gan cất nhắc và đề bạt cán bộ. Về việc này, Bác Hồ lưu ý phải xem xét thật kỹ trước khi đề bạt cán bộ, sau khi đã đề bạt rồi thì phải theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra người cán bộ đó; nếu không như thế thì hỏng việc.