Ngày 10/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan diễn ra ở Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, bước vào ngày làm việc cuối cùng. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tiếp tục có cuộc gặp với Australia, New Zealand, tham dự hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 4 (EAS FMM), và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21). 

hn_asean_trung_quoc_dbko_ihss.jpg

Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47

Tại các hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác sẽ sẽ kiểm điểm lại hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ARF, EAS trong thời gian qua. Trong 1 năm vừa qua, ARF tiến hành nhiều hoạt động, đặc biệt là những hoạt động trao đổi làm sao tăng cường biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác, bao gồm như: an ninh, an toàn hàng hải, cùng hợp tác ứng phó với thiên tai, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia hay vấn đề an ninh phi truyền thống khác.

Để phát huy hơn nữa, vai trò của ARF với tư cách là một diễn đàn đối thoại chính trị-an ninh hàng đầu của khu vực châu Á này, các nước sẽ bàn việc làm sao tăng cường hơn nữa vai trò của ARF, dựa trên Chương trình hành động Hà Nội về Tầm nhìn ARF 2020 được thông qua ở Hà Nội vào năm 2010, kiểm điểm việc thực hiện, rồi cập nhật, bổ sung thêm những biện pháp làm cho ARF có thể phát huy hiệu quả đối với hòa bình, an ninh nhiều hơn nữa ở khu vực này.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN trên cơ sở kết quả cuộc họp của mình sẽ chia sẻ những quan điểm của ASEAN đã được đồng thuận liên quan đến hòa bình, an ninh ổn định ở khu vực với các đối tác của mình, trong đó chắc chắn có một số vấn đề như: bán đảo Triều Tiên, hay là vấn đề Biển Đông.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ chia sẻ quan ngại sâu sắc và yêu cầu phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển và Tuyên bố DOC, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM Việt Nam cho biết: “Với tư cách diễn đàn ARF, chúng ta phải nhìn nhận đây là diễn đàn để các nước dù có vấn đề khác biệt với nhau, thậm chí có tranh chấp với nhau, có căng thẳng với nhau đến đây để đối thoại thì đã là một bước giúp cho chính các nước có liên quan có thể chia sẻ quan điểm và hiểu nhau hơn. Thứ hai, với sự đóng góp của các nước có liên quan và đặc biệt với vai trò trung tâm của ASEAN nhìn nhận từ góc độ của những người mà lâu nay vẫn gọi là trung gian mà trung lập và công bằng thì có thể tạo ra xu hướng, môi trường thuận lợi để tìm giải pháp”.

“Các nước lớn khi tham gia ARF hay tham gia vào các diễn đàn do ASEAN đề xướng thì họ đều phải tôn trọng 2 thứ là vai trò trung tâm của ASEAN tức là ASEAN đề xuất chương trình nghị sự, quan điểm của mình, những vấn đề ưu tiên, những cách thức mà ASEAN muốn xử lý đối với những vấn đề đối tác, kể cả trong đó là vấn đề Biển Đông. Và ASEAN có những nguyên tắc hoạt động của mình, đó là thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin dựa trên tham vấn sâu rộng và đồng thuận”, ông Phạm Quang Vinh nói.

Dự kiến, trong phiên bế mạc Hội nghị AMM 47 và các hội nghị liên quan diễn ra chiều 10/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác sẽ thông qua Thông cáo chung của Hội nghị AMM 47, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ARF 21 và Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC, APT 15, EAS FMM 4./.