Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch,  Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, dự thảo luật đã được hoàn thiện ở mức cao nhất trên cơ sở Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết có giá trị của các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ và các tổ chức tôn giáo cùng ý kiến của các chuyên gia trong ngoài nước.

“Ban soạn thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo trên cơ sở các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị và bản tổng hợp ý kiến sau hội nghị để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình ra Quốc hội, đồng thời có văn bản phúc đáp với Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam về những ý kiến, kiến nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật này”- ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.

do_quang_hung_vov_ksvt.jpg
GS Đỗ Quang Hưng, Chủ  nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Trong phần thảo luận, góp ý  vào dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 khóa VIII, trên cơ sở tổng hợp tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào văn bản góp ý của UBTƯ MTTQ Việt Nam vào dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Dự thảo Luật đã khắc phục được cơ bản việc hành chính hóa trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, đã thể hiện được nhiều hơn nội dung bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, đảm bảo quyền sinh hoạt và hoạt động tôn giáo cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, đồng thời phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

“Dự thảo đã có những điều khoản mới không chỉ đặt vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo theo hay không theo của mọi người, mà còn quy định việc tự do thay đổi tôn giáo như điều 6 khoản 5 nói về quyền tự do tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ thi hành án tử hình, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc”- bà Ánh cho biết.

GS Đỗ Quang Hưng, Chủ  nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị 16 nội dung là phù hợp như các nội dung quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, những điều giảm bớt sự can thiệp không cần thiết vào nội bộ các tôn giáo.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc quản lý Nhà nước về tôn giáo đã xử lý rõ hơn, mềm mại hơn, đã phát huy bản sắc văn hóa, đạo đức các tôn giáo.“Nên nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo ở khía cạnh văn hóa, quản lý Nhà nước bằng văn hóa. Nên đưa tín ngưỡng, tôn giáo về văn hóa quản lý”-ông Truyền đề nghị.

Liên quan đến việc quản lý tín ngưỡng tôn giáo, GS Đỗ Quang Hưng đề nghị nên chuyển việc quản lý tín ngưỡng về Bộ Văn hóa thể thao và du lịch để tránh việc phình ra trong quản lý, hay có thêm một Bộ nữa quản lý về tín ngưỡng và tôn giáo.

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật đồng tình việc cần có một cơ quan quản lý Nhà nước, một Bộ chịu trách nhiệm chủ yếu về tín ngưỡng, tôn giáo. “Nên chăng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch chịu trách nhiệm chính trong quản lý tín ngưỡng, tôn giáo”./.