Sáng 15/7, kỳ họp thứ 2, HĐND Thành phố Hà Nội bước sang ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp. Đầu buổi sáng nay, các đại biểu HĐND bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh ủy viên UBND thành phố. Theo quy định ủy viên UBND thành phố có 13 ủy viên, tại kỳ họp thứ 1 đã tiến hành bầu 12/13 chức danh này (do ông Nguyễn Quý Sửu đã trúng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND Thành phố nên kỳ họp này, HĐND tiến hành bầu đủ số ủy viên theo quy định).
Cũng trong sáng nay, HĐND tiếp tục thảo luận và thông qua Nghị quyết về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015. Các đại biểu nhất trí với dự thảo kế hoạch này và cho rằng kế hoạch mang tính kế thừa và phát huy những thế mạnh của Thủ đô.
Các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị đề nghị bổ sung vào dự thảo này một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội như: Đề án di dân phố cổ ngoài việc giãn dân đồng thời cũng cần xây dựng cụm các làng nghề hoạt động sản xuất của người dân phố cổ. Lĩnh vực dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2020 xây dựng Hà Nội thành Trung tâm thương mại dịch vụ của khu vực. Quan tâm đến vốn và cơ chế chính sách đồng bộ thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới…
Các đại biểu nhất trí biểu quyết thông qua Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm của Thành phố.
Phát biểu tại kỳ họp Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Các báo cáo, tờ trình của UBND Thành phố đã được HĐND xem xét, thảo luận cho ý kiến và thống nhất quyết nghị-là cơ sở pháp lý để UBND Thành phố quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, là động lực, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố sẽ triển khai thực hiện bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2011.
Làm rõ một số nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết: Kế hoạch đã đưa ra bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội đến năm 2015 với các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng bình quân GDP từ 12-13% năm, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm 54-55%, công nghiệp xây dựng 42%, nông nghiệp 3-5%, thu nhập bình quân đầu người từ 82-86 triệu đồng; số giường bệnh/vạn dân là 20, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 50-55%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 1,5-18%/năm; diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người là 28m2; trên 40% xã đạ chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đó kế hoạch xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trên tất cả các lĩnh vực và 2 khâu đột phá.
Theo đó, hai vấn đề lớn đặt ra là nguồn vốn và và quản lý, điều hành tổ chức thực hiện. Về nguồn vốn ước khoảng 1.500.000 tỷ đồng. Để giải quyết vấn đề vốn, Thành phố sẽ tiếp tục ban hành và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đảm bảo cân đối vốn cho đầu tư phát triển. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư: BT, BOT, BTO, BOO và PPP; “Thành phố đang chỉ đạo toàn bộ các dự án BT để đánh giá phân loại và nghiên cứu cơ chế thực hiện phát huy tốt nhất cơ chế đầu tư này”, ông Thảo cho biết.
Cùng với đó, Thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), trong đó thực hiện một số giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức chính quyền tròn việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin; tạo chuyển biến trong tiếp cận đất đai, chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hoá các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Về công tác điều hành quản lý tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, tổ chức bộ máy, cán bộ, tăng cường trách nhiệm công chức; đặc biệt trong công tác quản lý đô thị… để bộ máy hành chính Thành phố phải có chuyển biến mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.
Đối với nhiệm vụ kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng còn lại là 14,3%, là thách thức lớn vì vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải đẩy mạnh tăng trưởng. Thành phố xác định thực hiện trọng tâm theo hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rào cản, cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện cao nhất mục tiêu đề ra; Tiếp tục các giải pháp theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Hướng vào các giải pháp mạnh, linh hoạt, kịp thời và đẩy nhanh hiệu quả bình ổn giá./.