Đêm 27/2 (theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013”, trong đó đề cập vấn đề quyền con người của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo nhân quyền 2013 vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam, trong đó có những vấn đề mà phía Mỹ gọi là “tù nhân lương tâm” và “hạn chế quyền tự do ngôn luận”.
Tuy nhiên, trong trao đổi với phóng viên thường trú Đài TNVN tại Mỹ, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động Uzra Zeya cho biết, Mỹ ghi nhận những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực liên quan tới quyền con người tại Việt Nam, trong đó có tự do tôn giáo mà điển hình là sự gia tăng về số lượng các cơ sở thờ tự được đăng ký, đồng thời hoan nghênh Việt Nam ký Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc và tôn trọng quyền của người đồng tính.
Kể từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1995 đến nay, Mỹ và Việt Nam đã tổ chức 17 phiên đối thoại về nhân quyền và trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà mỗi bên quan tâm. Không chỉ phía Mỹ bày tỏ những quan điểm liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, mà ngay cả Việt Nam cũng nêu lên các quan ngại về tình hình nhân quyền tại Mỹ.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Uzra Zeya cho biết: “Việt Nam và Mỹ có một số nhận thức chung trong vấn đề quyền con người. Mỹ đánh giá cao và muốn duy trì đối thoại về quyền con người với Chính phủ Việt Nam không chỉ nhằm thúc đẩy tiến bộ trong vấn đề này mà còn nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương”.
Theo bà Zeya, Việt Nam và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hiểu biết lẫn nhau qua nhiều kênh để giải quyết những khác biệt trong vấn đề quyền con người.
“Phương cách tối ưu để giải quyết bất đồng giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề quyền con người là thông qua đối thoại và tương tác, không chỉ giữa chính phủ 2 nước mà còn cả xã hội. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Ngoại trưởng John Kerry đã có cơ hội gặp cả lãnh đạo Chính phủ và người dân Việt Nam, cũng như tham dự lễ cầu nguyện tại nhà thờ. Sự tương tác với xã hội dân sự như vậy có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với Việt Nam mà còn cả trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với vấn đề quyền con người trên toàn thế giới” - bà Zeya nói.
Tháng 11/2013, Việt Nam đã được bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất trong số các quốc gia ứng cử. Mới đây nhất, ngày 7/2, Nhóm làm việc về Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneve đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam, cho thấy sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người./.