Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa có quyết định điều động, luân chuyển đợt 1 năm 2014 đối với 44 cán bộ lãnh đạo, trong đó 25 người giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và 19 người giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nhân sự kiện này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Lưu Hải- Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương.

PV:

Thưa ông, việc luân chuyển cán bộ đã từng được thực hiện trong một số  nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Vậy đợt luân chuyển lần này có điểm gì khác?

Ông Trần Lưu Hải: Luân chuyển cán bộ là chủ trương rất lớn của Đảng ta nhằm đưa cán bộ sau khi đã được đào tạo cơ bản và nằm trong quy hoạch rèn luyện trong thực tiễn để thông qua đó, cán bộ vừa cống hiến, vừa trưởng thành tốt hơn. Đợt này là đợt có số lượng cán bộ luân chuyển lớn nhất từ trước đến nay với hơn 40 cán bộ. Họ được luân chuyển trong bối cảnh chúng ta đã có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, các bộ, ngành, các địa phương cũng đã có quy hoạch tương đối tốt.

luan-chuyen-can-bo.jpg
Ông Trần Lưu Hải- Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
Những cán bộ đi lần này đều có tương lai phát triển. Họ rất phấn khởi bởi họ được tập thể ghi nhận, đánh giá cao, nằm trong quy hoạch cán bộ ở cấp cao hơn. Họ không chỉ là nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ này mà còn cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Vì vậy, đợt này, độ tuổi của cán bộ rất trẻ, một số người thuộc thế hệ 7X, trẻ hơn rất nhiều so với các nhiệm kỳ trước.

Khi luân chuyển cán bộ, chúng ta tăng thêm số lượng Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh, do Trung ương gửi về đào tạo nên cơ cấu cũ ở địa phương không ảnh hưởng gì.
PV: Được biết, trong số 44 cán bộ được luân chuyển lần này, có 22 người được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Như vậy, có thể hiểu, luân chuyển cán bộ là “một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ cấp chiến lược” như Nghị quyết TW4 chỉ ra?

Ông Trần Lưu Hải: Đợt luân chuyển lần này cho thấy chúng ta chủ động tạo nguồn cán bộ từ xa để tránh hiện tượng đến Đại hội rồi mới tìm người cho các chức danh, không có sự chuẩn bị. Chúng ta chủ động tạo nguồn để có những cán bộ tốt. Ví dụ, chúng ta đưa đi nhiều cán bộ như vậy, ai phấn đấu trưởng thành sẽ được đề bạt ở những vị trí cao hơn, kể cả vào các vị trí ở Trung ương. Đợt này cũng có cả cán bộ quy hoạch cấp chiến lược và quy hoạch cho các Bộ, ngành. Các đồng chí Thứ trưởng xuống địa phương làm Phó Bí thư, còn cấp Cục, Vụ xuống địa phương làm Phó Chủ tịch.

PV:Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ giữ vị trí cấp phó thì cán bộ sẽ khó chủ động trong công tác, từ đó dẫn đến việc khó đánh giá kết quả đã làm được việc gì giúp địa phương. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Trần Lưu Hải: Tôi nghĩ rằng, cấp nào cũng có thể cống hiến được. Khi được giao nhiệm vụ thì mình căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đồng chí đó.

Theo tôi nghĩ, cấp trưởng hay cấp phó không quan trọng lắm vì đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, buộc anh phải phấn đấu, có sản phẩm, được Đảng bộ, nhân dân ở đó ghi nhận thông qua hiệu quả công việc. Do đó, không thể có thái độ giữ mình hoặc không làm gì cả. Vì xác định rõ, mình đã nằm trong quy hoạch thì phải hết mình với công việc, được tập thể ghi nhận để phát triển ở những vị trí cao hơn.

Có nhiều kênh để đánh giá cán bộ như kênh của chính quyền, kênh của Đảng, kênh của nhân dân địa phương, Trung ương theo dõi đánh giá, cơ sở đánh giá thông qua hiệu quả công việc… Vì xác định rõ, đã được phân công thì phải sẵn sàng đảm nhận công việc với cả tấm lòng, năng lực, kiến thức, gắn bó với địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Được biết, cá nhân ông cũng từng là cán bộ Trung ương được luân chuyển về địa phương. Vậy theo ông, nếu tồn tại tình trạng địa phương cục bộ thì phải khắc phục bằng cách nào?

Ông Trần Lưu Hải: Chúng ta đang chống cái này. Đây là chủ trương của Đảng, tiến tới Bí thư tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh không phải là người địa phương để phá vỡ thế cục bộ này. Trong các Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ, dần dần tiến tới Bí thư cấp ủy không phải người địa phương vì nếu sinh ra và lớn lên ở địa phương thì sẽ có nhiều mối quan hệ chi phối, anh em họ tộc, bạn bè… Nếu mình xử lý công việc không tốt lắm thì dễ vướng vào tình trạng cục bộ. Vì vậy, nếu không phải là người địa phương thì sẽ cống hiến vô tư hơn.

PV: Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là việc lựa chọn cán bộ luân chuyển? Vậy quy trình lựa chọn được tiến hành như thế nào để đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng?

Ông Trần Lưu Hải: Quy trình lựa chọn lần này rất chặt chẽ. Trên cơ sở xác định các địa bàn có nhu cầu, Ban Bí thư thống nhất số lượng người luân chuyển. Trên cơ sở quy hoạch của các Ban, Bộ, ngành đã có sẵn chọn từ 1-2 đồng chí, gửi danh sách lên Ban tổ chức.

Chúng tôi sẽ thẩm định rất kỹ danh sách này, gửi xin ý kiến của Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương… Sau khi thẩm định danh sách này, chúng tôi mới báo cáo Ban Bí thư. Trường hợp nào Ban Bí thư quản lý thì Ban Bí thư quyết định, trường hợp nào Bộ Chính trị quản lý thì Bộ Chính trị quyết định. Như vậy, công tác tuyển chọn cán bộ được tiến hành khách quan, dân chủ, từ dưới lên.

PV:Ông hy vọng gì ở đợt luân chuyển lần này?

Ông Trần Lưu Hải: Tôi rất hy vọng, vì lần này chúng ta chọn được những cán bộ rất xuất sắc, trẻ tuổi, được học hành bài bản. Họ rất cần thực tiễn để rèn luyện và họ đã xác định quy hoạch, được tập thể tin tưởng, được Đảng giao nhiệm vụ thì chắc chắn họ sẽ làm việc tốt và thành công trong đợt luân chuyển này.  

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông./.