Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (26/11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1.
Có mặt từ rất sớm gần 300 cử tri quận 1 mỗi người một tâm trạng với nhiều tâm tư mong được chuyển đến các đại biểu Quốc hội. Sau khi lắng nghe đại biểu Trần Du Lịch báo cáo một số kết quả chính của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hoàng Hữu Phước báo cáo về hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2012, các cử tri đều bày tỏ hoan nghênh kỳ họp quốc thứ 4 đã làm việc hết sức nghiêm túc và hiệu quả; hoạt động của đoàn đại biểu thành phố HCM có nhiều đổi mới, chuyển tải cũng như giải quyết được nhiều ý kiến nguyện vọng của cử tri.
Bên cạnh đó, các cử tri cũng bày tỏ sự chưa hài lòng với nhiều vấn đề còn tồn tại. Không khí phát biểu thẳng thắn và cởi mở đã được mở đầu bằng ý kiến của cử tri Trần Văn Lài ở phường Phạm Ngũ Lão, cử tri Nguyễn Xuân Mậu, phường Nguyễn Thái Bình khi đề cập việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng tại kỳ họp vừa qua một số nội dung còn chung chung, nhiều vấn đề chưa được làm rõ như lợi ích nhóm, vấn đề quản lý giá thuốc, y đức, đặc biệt là đấu tranh với tệ nạn tham nhũng chưa hiệu quả.
Cử tri Nguyễn Xuân Mậu, phường Nguyễn Thái Bình nói: “Tham nhũng không thể nói nói một vài lần mà Đảng ta khắc phục được, nó là một quá trình lâu dài, nhưng phải kiên quyết”.
Cử tri Phạm Thị Nga, phường Bến Thành nêu vấn đề về bảo vệ người chống tham nhũng và việc kê khai tài sản không trung thực: “Dân đặt vấn đề, nếu cán bộ chủ chốt không công khai tài sản và có ý không muốn công khai tài sản, chỉ công khai được phần lương mà Nhà nước đã trả cho cán bộ đó thôi thì Quốc hội có tham gia được không. Ngoài ra, người phát hiện cán bộ không công khai tài sản có được bảo vệ không?”
Cử tri Nguyễn Minh Châu hoan nghênh việc thông qua Nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm nhưng đề nghị cần quyết liệt trong cách chức người không đủ tín nhiệm: “Tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp tháng 5/2013 tới thực hiện cho đúng những vấn đề đã thông qua Nghị quyết. Những người nào trong số bỏ phiếu tín nhiệm nếu không đạt tiêu chuẩn đề nghị làm cho đúng để gây lòng tin cho dân”.
Cử tri Huỳnh Trọng Thành, phường Cô Giang đặt câu hỏi về tình trạng lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu, tại sao theo thanh tra thì lương lãnh đạo nhân viên lại cao hàng chục triệu đồng. Vậy trách nhiệm kiểm soát của các cơ quan lý ở đâu. Còn cử tri Nguyễn Thị Tuyết Vân, phường Cầu Kho cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng chúng ta đang tận thu bằng nhiều loại thuế phí quá cao dẫn đến lách luật làm khó cho dân mà nhà nước vẫn thất thu.
Ngoài ra các lĩnh vực quản lý đất đai, bất cập trong giáo dục đào tạo, về chăm sóc cho người nghèo, chế độ tiền lương, chính sách đối với người có công... được nhiều cử tri tập trung phản ánh.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp boăn khoăn của cử tri liệu các đại biểu Quốc hội có thẳng thắn bỏ phiếu tín nhiệm hay không? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một trong nội dung cụ thể trong giải pháp phòng chống tham nhũng. Nói rộng ra là việc làm cụ thể rất quan trọng trong tổng thể của hệ thống giải pháp của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Việc làm này nếu làm tốt, làm đúng đắn, làm có hiệu quả chắc chắn sẽ xoay chuyển được tình thế. Tất nhiên, vấn đề này để làm có hiệu quả cao thì trách nhiệm của những người cầm lá phiếu phải khách quan, vô tư, công tâm vì sự nghiệp của đất nước, chứ không phải vì cái ghế. Vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Lịch sử loài người đã nói rất rõ rồi, qua nhiều triều đại rồi, muốn chế độ vững bền, xã hội vững bền thì phải cầm lá phiếu với đầy trọng trách”.
Đề cập thắc mắc của cử tri về việc thực hiện kê khai tài sản của cán bộ công chức chưa mang lại hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng giải pháp đã có nhưng thực tế còn có những tồn tại đó là cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng có khó khăn khách quan như việc chúng ta hiện vẫn đang thanh toán bằng tiền mặt chưa qua ngân hàng nên rất khó cho việc kiểm soát thu nhập.
Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, phê phán những điểm gì chưa được để các cán bộ biết và sửa chữa cũng như giúp các cơ quan chức năng xử lý những cán bộ vi phạm. Đảng và nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và góp ý của nhân dân và với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng với các đại biểu nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của cử tri./.