Khi số ca bệnh mắc Covid-19 tăng cao, thành phố Đà Nẵng nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với chủng virus mới lây lan nhanh, nguy hiểm khó lường. Bắt đầu từ ngày 30/7, thành phố thực hiện giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội triệt để “ai ở đâu thì ở đó”.
Trong suốt thời gian này, ở thành phố Đà Nẵng gần như không có tình trạng người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu khi không ra khỏi nhà. Bởi hàng ngày, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, từ Chi bộ đến Tổ dân phố, Tổ phòng chống Covid- 19 cộng đồng tại các khu dân cư đều sâu sát, kịp thời giúp đỡ người dân. Thành phố cũng huy động mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ đương chức, giáo viên, cựu chiến binh tham gia phòng chống dịch.
Cũng trong thời gian này, hàng loạt chính sách an sinh xã hội được ban hành, kể cả phát tiền mặt cho người dân. Không một ai bị bỏ lại phía sau, người dân luôn đồng thuận, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của thành phố. Kết thúc loạt bài “Đà Nẵng sáng tạo, linh hoạt trong phòng chống dịch Covid-19”, VOV.VN đăng bài thứ hai với nhan đề “Kinh nghiệm chống dịch ở Đà Nẵng: Đảng viên đi đầu, người dân đồng thuận”.
Khi Đà Nẵng mở cửa trở lại các hoạt động, tại chốt kiểm soát dịch phía nam Đà Nẵng ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, rất đông người làm thủ tục ra vào thành phố. Cô Huỳnh Thị Kim Hòa, giáo viên trường mầm mon Tuổi Thơ cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra, trường học đóng của, cô ở nhà chăm 2 con nhỏ. Những ngày qua, khi Phòng Giáo dục và Đào tạo kêu gọi giáo viên hỗ trợ tại các chốt kiểm soát, cô đã tình nguyện tham gia. Cô Hòa chia sẻ, mỗi ngày cô làm việc 6 tiếng, chủ yếu là kiểm tra nhiệt độ người vào thành phố, ghi chép lại biển số xe, số điện thoại, địa chỉ liên lạc của công dân.
"Mỗi người góp 1 sức nhỏ để cùng chung tay mong dịch bệnh qua mau để cho các em và các bạn được đến trường hay tất cả mọi người dân được ổn định cuộc sống. 2 vợ chồng cũng thống nhất nói chung cũng tạo điều kiện, cũng động viên tinh thần cố gắng"- cô giáo Hòa cho hay.
Ngày 11/8, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Công văn về việc thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các Quận ủy, Huyện ủy chỉ đạo các Đảng ủy phường, xã, chi bộ khu dân cư phân công từng đảng viên phụ trách theo dõi, giám sát, kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn thành phố đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng một nửa số người không làm việc tại cơ quan công sở để tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi cư trú.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 08 về “Tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố”. Nghị quyết này nêu rõ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ, hợp tác tích cực và tự giác thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Thực hiện chủ trương này, Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu đã vận động gần 700 đảng viên có đủ sức khỏe trong tổng số gần 1.200 đảng viên tham gia công tác phòng chống dịch cùng tổ dân phố. Mỗi đảng viên phụ trách từ 10 đến 20 gia đình, đảm nhận việc cung ứng, mua hộ lương thực, thực phẩm, quan tâm đến sức khỏe trẻ nhỏ... Ngoài ra, các đảng viên cùng tổ dân phố đi vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho hơn 6.000 phòng trọ với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng, giúp các công nhân, người lao động vượt qua khó khăn. Ông Đặng Ngọc Nhân, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, mỗi đảng viên ở cơ sở là cánh tay nối dài, giúp chính quyền thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
"Đảng viên rất nhiệt tình, rất trách nhiệm nêu gương trong cộng đồng dân cư. Nắm bắt tình hình nhân dân tại địa phương, phát hiện những gia đình khó khăn đặc biệt là công nhân, sinh viên thì đảng viên đã tham mưu cho cấp ủy, chi bộ đề xuất kiến nghị phường, kể cả quận tăng cường hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rau củ quả và hàng thiết yếu khác, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách"- ông Đặng Ngọc Nhân cho biết thêm.
Trong những ngày thực hiện cách ly y tế diện rộng, giãn cách xã hội triệt để, người dân không được ra khỏi nhà trừ trường hợp cấp cứu, đi lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày đó, thành phố Đà Nẵng đề nghị tất cả đảng viên thể hiện vai trò nêu gương, huy động Ban điều hành khu dân cư, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng đi chợ giúp dân, mua từng mớ rau, con cá, viên thuốc cho bà con. Hình ảnh các tổ trưởng dân phố lúc đeo băng bảo vệ trực chốt, lúc kéo xe đi giữa nắng nóng mua hàng về phát cho bà con, lúc khác lại chuyển quà cứu trợ đến từng người, không để sót một ai. Người dân nơi đây dìu nhau đi qua đại dịch.
Trong đợt dịch này, Đà Nẵng là địa phương thực hiện tốt nhiều chính sách an sinh xã hội. Ngày 3/8, khi thực hiện cách ly y tế 5 phường, quận Sơn Trà đã xin vận dụng chính sách hỗ trợ mỗi nhân khẩu 40 ngàn đồng/ngày, giúp người dân ở yên trong nhà phòng chống dịch. Chỉ riêng số tiền thành phố Đà Nẵng chi hỗ trợ người dân 5 phường này đã lên tới gần 100 tỷ đồng. Kể từ ngày dịch bùng phát đến nay, thành phố Đà Nẵng đã dành 580 tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng phong tỏa, hộ nghèo, gia đình chính sách, người thực hiện cách ly và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Mới đây nhất, thành phố có quyết định hỗ trợ hộ dân toàn thành phố, mỗi hộ 500 ngàn đồng tiền mặt, trong đó hơn 66 ngàn hộ là người ở trọ, học sinh sinh viên thuê nhà. Bà Bùi Thị Cúc ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố luôn quan tâm giúp đỡ người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn: “Bây giờ 6 người ở trong gia đình, lao động có 4 người. 2 đứa con bán bún, mùa này không bán được, con trai làm công ty tư nhân đang nghĩ hết. Gia đình tôi là gia đình chính sách, tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày hôm nay tôi nhận được số tiền 1 triệu đồng, tôi rất biết ơn. Tôi rất cảm động. Một món quà cho tôi trang trải cuộc sống, rất vui hơn khi nào hết”
Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện linh hoạt nhiều chính sách an sinh xã hội. Đồng hành, chia sẻ với thành phố trong đợt chống dịch này có sự chung tay, góp sức của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm gần xa. Tập đoàn Sun Group đã hỗ trợ 45 tỷ đồng mua lương thực, thực phẩm thiết yếu tặng 30.000 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên toàn địa bàn thành phố, mỗi hộ 500 ngàn đồng và kit xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Giữa tháng 8, những chuyến xe nghĩa tình chở rau củ quả đến tận các khu dân cư, giúp bà con thêm ấm lòng. Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, đợt dịch này, thành phố đã tiếp nhận hơn 64 tỷ đồng từ các doanh nghiệp hỗ trợ, hàng ngàn tấn rau củ quả của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước gửi tặng người dân Đà Nẵng.
“Sự giúp đỡ đối với thành phố lúc này là một nghĩa cử cao quý. UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và khẩn trương chuyển số quá này đến tay những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội và đang chống dịch và người dân đang gặp khó khăn cũng như các đối tượng yếu thế trong xã hội”- ông Dương Đình Liệu chia sẻ.
Gần cả tháng trời “ai ở đâu thì ở đó”, nhờ sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ đảng viên; sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng đã thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp chống dịch sáng tạo, phù hợp, sớm kiểm soát được dịch Covid-19. Cùng với kiểm soát dịch bệnh, Đà Nẵng cũng nhanh chóng tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, đến nay, hơn 80% số dân thành phố này được tiêm chủng là điều kiện thuận lợi để thành phố sớm mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
"Đến thời điểm này, thành phố khẳng định đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Thành phố đảm bảo các điều kiện cơ bản, đủ năng lực xử lý các ca F0 trong cộng đồng như khoanh vùng, truy vết, cách ly, đảm bảo các điều kiện về điều trị đối với bệnh nhân và đảm bảo năng lực điều trị từ sớm, từ xa như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đảm bảo đẩy nhanh mức độ bao phủ vaccine. Tất cả những điều kiện đó, thành phố đảm bảo một cách tốt nhất để hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống người dân và doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới" - Bí thư Đà Nẵng khẳng định.
Từ những kết quả bước đầu trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, người dân Đà Nẵng có quyền hy vọng địa phương này sẽ sớm trở lại vị thế của một thành phố năng động, an toàn và đáng sống./.