Chiều nay (10/4), hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.

Đây là dự án Luật đã được trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau nhận được nhiều ý kiến góp ý cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung trước khi trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới như phạm vi điều chỉnh, quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, giấy phép xây dựng hay lựa chọn nhà thầu và điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài.

luat-xay-dung.jpg
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tham dự phiên họp

Về quy hoạch xây dựng, theo các đại biểu: quy hoạch xây dựng là loại quy hoạch đặc thù và khác biệt với các loại quy hoạch khác. Quy hoạch xây dựng tốt sẽ tránh việc đầu tư dàn trải, trùng lắp, đảm bảo phát triển quản lý đô thị. Vì vậy nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng như trong dự thảo Luật, thay vào đó cần quy định, thời hạn rà soát định kỳ đối quy hoạch chi tiết xây dựng là 3 năm (kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt). Các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “quy hoạch chi tiết” và mở rộng thời gian nhằm tạo sự ổn định.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, đoàn Thái Bình cho biết: “Tôi tán thành giữ nguyên nội dung quy hoạch trong xây dựng, khắc phục tình trạng khoảng trống. Đây là cơ hội để chúng ta chuyển toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng sang quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, tôi đề nghị xem lại thời hạn rà soát quy hoạch. Nếu quy hoạch phân khu 5 năm, nhưng quy hoạch chi tiết là 3 năm là chưa ổn định. Vì quy hoạch chi tiết mất thời gian, quan trọng và là cơ sở để cấp phép xây dựng. Tôi nghĩ rằng, quy hoạch chi tiết ít nhất phải 5 năm mới đảm bảo ổn định”.

Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ điều khoản “thẩm định dự án xây dựng”. Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định thiết kế cơ sở, bởi đây là cơ sở để triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo, xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố mang quyết định tới hiệu quả dự án.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Đại biểu Lê Như Tiến nói: “Nếu có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước từ khâu thiết kết cơ sở, chắc chắn sẽ không gây ra lãng phí, thất thoát. Thiết kết cơ sở là khâu rất quan trọng đối với dự án đầu tư xây dựng, là cơ sở triển khai các bước tiếp theo, xác định tính khả thi của dự án và là yếu tố quyết định hiệu quả đầu tư dự án, đồng thời khắc phục tình trạng lãng phí tác động đến cảnh quan môi trường, mất an toàn cho cộng đồng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thiết kết xây dựng ngay từ đầu như Dự thảo Luật quy định tại khoản 1 điều 54 là cần thiết”.

Để đảm bảo chất lượng công trình, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về quyết toán công trình và kiểm toán công trình, quản lý sử dụng công trình nhằm tránh lãng phí, thất thoát trong các dự án xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh Quảng Bình đề nghị việc giám sát các dự án đầu tư xây dựng ngoài chính phủ, các Bộ, ngành cần có sự tham gia của Quốc hội và người dân, tùy quy mô và loại hình xây dựng.

Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn và khả thi hơn đối với điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm. Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào không cần giấy phép xây dựng, đặc biệt là địa bàn nông thôn cho phù hợp./.