Để đảm bảo tiến độ, chất lượng các Đề án, dự án quan trọng theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chương trình công tác của Chính phủ trong năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện một số công việc: Rà soát lại toàn bộ danh mục các Đề án được giao để kiến nghị điều chỉnh kịp thời (nếu cần thiết); kể cả việc nhập một số Đề án, qua đó có thể làm giảm số lượng và rút ngắn thời gian ban hành Đề án.

Đối với những Đề án lớn do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, Bộ Nội vụ phải ưu tiên bố trí cán bộ có kinh nghiệm, đủ năng lực trình độ và chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu xây dựng Đề án; đồng thời cần dự liệu thời gian, thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Đề án trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.

Bộ Nội vụ cần chủ động trong quá trình xây dựng các Đề án, xây dựng lộ trình hợp lý, phát huy vai trò của từng thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập, gắn với việc nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng; chú ý việc lấy và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; những vấn đề liên quan ngành cần trực tiếp bàn bạc thống nhất để đảm bảo tiến độ.

Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 với 5 mục tiêu cơ bản, trong đó Bộ Nội vụ được giao chủ trì nhiều Đề án quan trọng. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Nội vụ cần phân công rõ trách nhiệm, xác định các loại việc, các sản phẩm phải hoàn thành vào mỗi giao đoạn. Đồng thời chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai; tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt cần triển khai một số công việc trọng tâm trong lĩnh vực cải cách công chức, công vụ còn chậm, cụ thể như: xác định vị trí việc làm, thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ; chế đội tiền lương…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý đề xuất của Bộ Nội vụ về việc chuyển nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành thành nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp hoặc Bộ, ngành đang làm nhiệm vụ thường trực của các tổ chức phối hợp liên ngành.

Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát các văn phòng đại diện của các bộ, cơ quan ngang bộ đặc tại phía Nam và miền Trung, đề xuất phương án sắp xếp trên tinh thần bảo đảm hiệu quả hoạt động, thu gọn đầu mới, tránh gây lãng phí./.