Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), đánh dấu sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 2018.

Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tròn 25 năm hình thành và phát triển. Đây là dấu ấn mới trong lịch sử của APPF, đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đến nay, đã có trên 20 Nghị viện thành viên khẳng định sẽ tham dự Hội nghị APPF-26 do Quốc hội Việt Nam đăng cai từ ngày 18-21/1/2018 tại thủ đô Hà Nội.

Việt Nam gia nhập APPF vào tháng 1/1995 và đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF. (Trước đó, Việt Nam tổ chức Hội nghị APPF-13 tại Hạ Long vào tháng 1/2005).

ct_kim_ngan_fyyv.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp chuẩn bị Hội nghị APPF - 26

APPF và APEC song hành và liên kết kinh tế toàn cầu

APPF-26 lần này có ý nghĩa quan trọng và là hành động thiết thực của Nghị viện, nghị sỹ các nước thành viên trong việc ủng hộ Tuyên bố Đà Nẵng về “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung” mà Hội nghị Cấp cao APEC đã thông qua. Hội nghị cũng nhằm thúc đẩy vai trò của các Nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC trên kênh Nghị viện. APPF và APEC sẽ tiếp tục song hành, góp phần thúc đẩy vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Bản báo cáo Kết quả của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 sẽ là một nội dung tại APFF-26. Trong đó, tại phiên thảo luận “Các vấn đề Kinh tế và thương mại”, các đại biểu sẽ chia sẻ quan điểm của Nghị viện, cũng như sự đóng góp vào nỗ lực của khu vực để hướng tới mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững xoay quanh chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

Tuyên bố APPF Hà Nội- Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương

Vấn đề “An ninh lượng thực và phát triển nông nghiệp bền vững” của APPF-26 cũng là một nội dung bám sát với Hội nghị cấp cao APEC vừa qua. Theo đó, khẳng định Nghị viện đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có đảm bảo an ninh lương thực, thông qua các hành động và giải pháp cụ thể.

Với cương vị Chủ tịch APPF, Việt Nam đề xuất chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững” cho Hội nghị APPF-26 lần này,phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới, nhất là trên các diễn đàn đa phương.

Chủ đề cũng định hướng cho các phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị, hướng tới có Tuyên bố chung khẳng định cam kết của nghị viện các nước thành viên trong hợp tác kinh tế, văn hóa và phát triển khu vực vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội- Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố sẽ đảm bảo tính kế thừa của APEC, cũng như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp nhận chức Chủ tịch APPF.  Ảnh: Trọng Đức

Hội nghị APPF-26 sẽ đón các đại biểu tham dự đến từ nhiều nước lớn, có vai trò và tiếng nói quan trọng trong quan hệ quốc tế. Do đó, việc đăng cai Hội nghị APPF-26 sẽ góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung, đặc biệt là tiếp nối sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tháng 11/2017 tại Đà Nẵng./.

Diễn đàn APPF được thành lập 15/3/1993, do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng và hiện có 27 Nghị viện thành viên gồm: Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.