Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 đã thông qua Tuyên bố chung, bầu Tổng Thư ký mới, kết nạp thêm 4 nước và vùng lãnh thổ làm quan sát viên. Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội nghị cùng với cùng với Bờ Biển Ngà, Haiti, Maurice và Lebanon.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Văn phòng Liên Hợp Quốc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN) |
Ngay sau khi Hội nghị Cấp cao kết thúc tốt đẹp, chiều ngày 12/10, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneve, đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả của Hội nghị.
PV: Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 17 tại Yerevan, Thủ đô nước Cộng hòa Armenia, đã thành công tốt đẹp. Xin Đại sứ có thể chia sẻ về những kết quả chính mà Hội nghị đã đạt được?
Đại sứ Dương Chí Dũng:Hội nghị có gần 40 Tổng thống, Thủ tướng đến từ các nước và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, đại diện của Liên Hợp quốc, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Có thể nói sự tham gia của đông đảo các Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên Pháp ngữ đã làm nên thành công của Hội nghị.
Với chủ đề “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: cội nguồn hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ”, Hội nghị đã khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế đa phương, trong đó có Pháp ngữ, trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng, thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề toàn cầu và trong không gian Pháp ngữ.
Hội nghị đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố Erevan, Lời kêu gọi Pháp ngữ về cùng chung sống và Chiến lược hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2019-2022, không chỉ giúp giải quyết các thách thức mà Pháp ngữ đang phải đối mặt, mà còn định hướng hoạt động của Pháp ngữ trong thời gian tới, đặc biệt trong việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp tại các diễn đàn đa phương quốc tế.
Hội nghị đã đồng thuận việc kết nạp 4 nước và vùng lãnh thổ là Ireland, Malta, Gambia và bang Luisanna (thuộc Hoa Kỳ) làm quan sát viên, đưa tổng số thành viên và quan sát viên Pháp ngữ lên 88 nước và vùng lãnh thổ, qua đó khẳng định vị thế Pháp ngữ là tổ chức quốc tế toàn diện có quy mô lớn thứ hai thế giới sau Liên Hợp quốc. Hội nghị cũng đã bầu bà Louise Mushikiwabo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rwanda làm Tổng thư ký Pháp ngữ nhiệm kỳ 2019-2022.
PV: Xin Đại sứ cho biết đôi nét về sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị?
Đại sứ Dương Chí Dũng: Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự và có nhiều đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có phát biểu quan trọng tại Hội nghị, nhấn mạnh thế giới nói chung và không gian Pháp ngữ nói riêng đang đứng trước nhiều thách thách mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Do đó, vai trò của các thể chế đa phương như Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) là hết sức quan trọng.
Phó Thủ tướng đề nghị Pháp ngữ thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và có cách tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết hiệu quả nguồn gốc sâu xa của khủng hoảng và bất ổn như bất bình đẳng, nghèo đói, kém phát triển, tiếp tục củng cố các cơ chế hiện có về phòng ngừa xung đột và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh đây một bộ phận quan trọng của không gian Pháp ngữ, nơi cũng đang phải xử lý nhiều thách thức xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột sắc tộc, khủng bố, tội phạm mạng, các điểm nóng khu vực, biến đổi khí hậu...; khẳng định Việt Nam luôn tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới cũng như Pháp ngữ, kêu gọi và sẵn sàng cùng với các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982, đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này.
Đoàn ta tích cực tham gia xây dựng và thúc đẩy đề Hội nghị đồng thuận thông qua các văn kiện với nội dung rất tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của ta cũng như bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên các vấn đề liên quan. Đặc biệt, các văn kiện Hội nghị tiếp tục nêu quan tâm của Pháp ngữ về tình hình phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông và nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông hiệu quả và hiệu lực.
Việt Nam cũng đã được các nước tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội nghị (cùng với Bờ Biển Ngà, Haiti, Maurice và Lebanon).
Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã hội kiến Tổng thống và Thủ tướng Armenia, Tổng thống Pháp, gặp song phương với Trưởng đoàn hoặc người đồng cấp Mali, Haiti, Andorra, Camerun, Guinee, Madagascar, Tổng Giám đốc UNESCO để thúc đẩy quan hệ song phương và vận động các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại cuộc gặp, các nước đều coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu về phát triển, nhất là với các nước châu Phi, mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là cầu nối của Pháp ngữ ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời góp phần vào hoà bình, ổn định và phát triển trong Pháp ngữ cũng như trên thế giới, khẳng định xem xét tích cực việc ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.
PTT Phạm Bình Minh dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ
Họp báo công bố kết quả Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong- Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32