Giáo sư H. Totraith trường Đại học Paris I cho rằng: năm 1953 là năm thay đổi chính trị ở Moscow cùng với sự kiện Stalin qua đời.
Tại Mỹ, Dwight D. Eisenhower trở thành Tổng thống Mỹ. Tại Hội nghị Berlin được nhóm họp ngày 15/1/1954 có đầy đủ cả 4 nước lớn, ý tưởng chủ đạo của Hội nghị là tổ chức trong hòa bình, tập hợp được các tác nhân liên quan chính-sau này chính là Hội nghị Geneva.
Theo PGS,Tiến sĩ Vũ Quang Hiển- Đại học quốc gia Hà Nội- Giai đoạn này trật tự thế giới hai cực Yalta và cục diện “chiến tranh lạnh” là một trong những yếu tố chi phối Hội nghị Geneva. Từ năm 1950 chiến tranh ở Đông Dương đã trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Khi một số nước như Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì Mỹ, Anh và một số nước khác lại công nhân chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên.
Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng cuộc chiến tranh Đông Dương đã “lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây”.
Theo nhà nghiên cứu ngoại giao Phan Doãn Nam, thời kỳ này ở Châu Âu, sau khi thành lập NATO, Mỹ ra sức tập hợp các lực lượng để thành lập cái gọi là Cộng đồng phòng thủ châu Âu nhằm tái vũ trang nước Đức và chuẩn bị đưa Đức vào NATO.
Bên cạnh đó, nhằm tranh thủ Pháp tham gia “Cộng đồng phòng thủ châu Âu”, Mỹ ra sức viện trợ cho Pháp lúc này đang sa lầy trong chiến tranh ở Đông Dương. Năm 1950 Mỹ mới chỉ viện trợ 10 triệu USD, tới năm 1954 lên tới 2 tỉ USD chiếm 80% chi phí cho quân sự của Pháp ở Đông Dương. Mục đích của Mỹ lúc này là Mỹ lợi dụng “chiến tranh lạnh” nhằm áp đặt một nền hòa bình kiểu Mỹ lên toàn thế giới, trước hết là trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Mỹ lúc này đang mất thế độc quyền về vũ khí hạt nhân khi Liên Xô (tháng 8/1953) thử thành công bom khinh khí và tiếp tục nghiên cứu chế tạo tên lửa) và sau việc Liên Xô bao vây và phong tỏa Berlin, Mỹ thấy không thể tiếp tục dùng biện pháp đe dọa quân sự để giải quyết các vấn đề của Chiến tranh thế giới thứ 2, chủ yếu là các vấn đề của Đức và Áo, mà phải giải quyết trong khuôn khổ thương lượng giữa 4 cường quốc chiếm đóng nước Đức (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp).
Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Doãn Nam, tại châu Á, lúc này sau chiến tranh Triều Tiên, tuy lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ cầm đầu cuối cùng đã đẩy lực lượng Trung-Triều trở về vị trí xuất phát ban đầu là vĩ tuyến 38, nhưng Mỹ đã đi đến kết luận là “không nên lao vào cuộc chiến tranh nữa trên lục địa châu Á”.
Sau chiến tranh Triều Tiên, Pháp thua lớn tại chiến dịch Điện Biên Phủ (Việt Nam), với mục đích hất cẳng Pháp, biến Đông Dương thành thuộc địa mới của Mỹ, đồng thời thành lập khối SEATO do Mỹ lãnh đạo làm thành lũy chống chủ nghĩa cộng sản ở khu vực này.
Anh có quyền lợi rất lớn ở Đông Nam Á và Hongkong. Anh cho rằng, phong trào cộng sản các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc thao túng. Do đó, Anh ra sức phản đối ý định của Mỹ trong việc mở chiến dịch Chim Ưng để cứu Pháp ở Điện Biên Phủ và không đồng ý với việc thành lập SEATO trước Hiệp định Geneve về Đông Dương vì sợ bị lôi vào cuộc đụng đầu với Trung Quốc ở khu vực này.
Pháp có lợi ích chủ yếu ở Đông Dương-nơi mà Pháp và Trung Quốc đã ký nhiều hiệp định phân chia quyền lợi lẫn nhau trước năm 1954. Mặt khác Pháp cũng cảnh giác việc Mỹ lợi dụng mình ở Đông Dương để từng bước hất cẳng Pháp ra khỏi khu vực này. Do vậy, tuy bị Mỹ ép nhưng Pháp vẫn hạn chế hoạt động của phái đoàn quân sự Mỹ (MAAG) và chần chừ trong việc cho chính phủ các nước Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp (các chính quyền bù nhìn Bảo Đại, Ai Lao và Cao Miên) quyền độc lập và nhất là việc xây dựng quân đội riêng có cố vấn quân sự Mỹ chỉ đạo.
Nội bộ đồng minh phức tạp
Theo cuốn “Đại cương lịch sử Việt Nam” do Giáo sư Lê Mậu Hãn chủ biên, thời kỳ này những nước đồng minh với Việt Nam như Trung Quốc và Liên Xô có chủ trương sớm đi tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương theo kiểu đình chiến ở Triều Tiên.
Ban thường trực Hội đồng hòa bình thế giới cũng thông qua Nghị quyết (10/9/1953), kêu gọi nhân dân các nước đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương.
Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ 3 họp tại Viena (Áo) tháng 10/1953 lấy ngày 19/12/1953 làm ngày lao động thế giới đoàn kết tích cực với nhân dân Việt Nam, đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Mỹ đến Hội nghị Geneva chủ yếu là vì vấn đề Triều Tiên. Sau khi cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên bị thất bại, Ngoại trưởng Mỹ J.F.Dulles bỏ về và chỉ để thứ trưởng Ngoại giao là B. Smith ở lại theo dõi hội nghị nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phá và hiệp định và nhảy vào miền Nam Việt Nam sau này.
Ngày 12/5/1954, Chính phủ Mỹ chỉ thị cho đoàn đại biểu của họ tại Hội nghị Geneva rằng: “ Mỹ không sẵn sàng bày tỏ ý kiến tán thành hoặc ngầm chấp nhận bất cứ sự đình chiến, sự ngừng bắn hoặc bất cứ một giải pháp nào…”.
Trong khi đó, Anh đến Hội nghị là để chống lại Pháp và Mỹ liên kết với nhau can thiệp vào Đông Dương. Điều này sẽ có hại cho việc Anh đang ra sức ổn định tình hình các nước thuộc địa của Anh tại Đông Nam Á và Trung Đông. Anh muốn ổn định tình hình tại Đông Dương trên cơ sở chia cắt Việt Nam, vì Anh cho rằng chia cắt là giải pháp ít xấu nhất. Anh muốn hàng rào đó càng xa về phía Bắc Việt Nam càng tốt.
Pháp đến Hội nghị mưu tìm một Hiệp định đình chiến để cứu nguy cho quân đội viễn chinh Pháp khỏi bị tiêu diệt và duy trì quyền lợi của Pháp ở Đông Dương.
Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam trong khi trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường của nhân dân ta là : “Kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.
Hoàn cảnh thế giới tuy có phức tạp nhưng cũng có nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Ngày 8/5/1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương khai mạc tại Geneva. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954 các Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự Hội nghị chấp thuận và cám kết chính thức. Đại diện Mỹ ra tuyên bố riêng thừa nhận tôn trọng Hiệp nghị.
Qua những yếu tố quốc tế, chúng ta nhận thấy rằng giải pháp Geneva về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương là sự phản ánh tương quan lực lượng đối sánh của các bên tham chiến trên chiến trường ở Đông Dương và lực lượng các nước lớn trên trường quốc tế, phản ánh mối quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp và ý đồ chiến lược của các bạn đồng minh với Việt Nam trong những bước cuối của cuộc hòa đàm./.