Sáng nay (7/3) tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên tham dự Hội nghị.
Năm 2021, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các đại biểu HĐND đã nhanh chóng bắt tay vào việc, ngoài tổ chức ít nhất 2 kỳ họp thường lệ, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức từ 3-6 kỳ họp chuyên đề với phương thức điều hành linh hoạt, sáng tạo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có địa phương đã ban hành ít nhất 35 Nghị quyết, có địa phương ban hành tới 190 Nghị quyết để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế. Thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp, hơn 85% kiến nghị cử tri đã được giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: "Quốc hội đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù. Riêng thành phố Đà Nẵng còn được áp dụng cơ chế thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cá khu vực miền Trung. Đây là minh chứng rất rõ nét cho hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội chính phủ, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đã sớm ban hành các Nghị quyết về Quy chế hoạt động, Quy chế phối hợp công tác. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội; từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, HĐND các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt hoạt động giám sát, đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn băn khoăn về việc mua sắm công, nhiều địa phương làm tốt, nhưng có địa phương không làm hoặc làm không đúng quy định dẫn đến bị sai phạm. Hội đồng Nhân dân là cơ quan giám sát nhưng chưa phát hiện ra những sai phạm này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng Nhân dân còn những hạn chế cần khắc phục như: Tình trạng gửi tài liệu, báo cáo chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị Nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc.
Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn; Tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên, công nghệ thông tin tiên tiến trong tổ chức hoạt động của Hội đồng Nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh, công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc Hội đồng Nhân dân ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời sớm ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Tổ chức giám sát đối với các hoạt động giám sát của 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Quốc hội giám sát 1 thì địa phương phải giám sát 10, Quốc hội giám sát 10 thì địa phương phải giám sát 100. Làm sao hoạt động của HĐND các tỉnh miền Trung từng bước đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân mong muốn"./.