Sáng nay (21/2), tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai công tác năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự còn có các Phó chủ tịch Quốc hội, đại diện lãnh đạo các địa phương, bộ ngành và hơn 200 đại biểu của 25 tỉnh, thành phố. Đây là hội nghị đầu tiên trong Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND khu vực phía Bắc nhằm đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.
Tại Hội nghị, các ý kiến đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm, kết quả hoạt động chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân như công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị để nâng cao hơn nữa hoạt động của HĐND.
Để hoạt động giám sát của HĐND thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị: "Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của HĐND Thành phố, quận, huyện, thị xã đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường tại các quận, thị xã; để đảm bảo Chủ tịch UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát".
Ông Sùng A Hồ, Thường trực HNĐN tỉnh Lai Châu cho rằng, trong thực tiễn hoạt động của HĐND, có nhiều vấn đề quan trọng hoặc cấp bách, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương cần quyết định ngay.
Trong khi đó, theo quy định của các luật và văn bản dưới luật, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, thì phải đợi đến kỳ họp của HĐND tỉnh mới xem xét, quyết định. Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.
"Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND. Rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết phải có sự phân quyền hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp, nhất là các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, quản lý đất đai tài chính, các vấn đề cấp bách phát sinh; quy định cụ thể cách thức, trình tự thực hiện nhiệm vụ được HĐND ủy quyền giải quyết giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực HĐND khi quyết định các vấn đề đó"- Ông Sùng A Hồ nói.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2021, HĐND các cấp đã góp phần quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều cố gắng, nổ lực, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn từng địa phương.
Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường, trong đó một số tỉnh, thành phố đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. HĐND cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết với số lượng lớn, có địa phương như Thanh Hóa đã ban hành tới 190 Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch COVID-19... Điều đó cho thấy tính sẵn sàng và tinh thần của các cơ quan dân cử ở địa phương.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng kỳ họp của HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, cử tri.
"Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á.
Về việc mua sắm công liên quan thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt thì vẫn có những địa phương không mua sắm được. Hoặc một số địa phương mua thì có sai phạm. Sai phạm phát hiện là do điều tra của các cơ quan chức năng. Nhưng vai trò giám sát tại chỗ của HĐND không thấy đâu, cái này phải rà soát và rút kinh nghiệm" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, cơ bản đồng tình, thống nhất với báo cáo của UB TVQH và ý kiến tham luận của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.
"Tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, công tác tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố cả về tổ chức và đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực và giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố. Phải đặt và coi đại biểu HĐND là trung tâm, chất lượng và hoạt động của đại biểu HĐND quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác của HĐND nói chung. Mọi quyết sách liên quan đến địa phương theo thẩm quyền phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết" - Người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, từ kinh nghiệm của Quốc hội và HĐND một số tỉnh, thành phố, HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố.
Kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “ Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp” và dự thảo “ Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ’’ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình của các kỳ họp HĐND phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật; công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND phải quyết liệt đổi mới, phải chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo khách quan, trung thực, có chính kiến; việc lựa chọn các vấn đề chất vấn cũng như trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND phải trúng và đúng, lựa chọn những vấn đề nóng, có tính thời sự, liên quan đến cuộc sống, bức xúc của người dân và cử tri, sau chất vấn phải tăng cường giám sát để hiệu lực và hiệu quả của vấn đề chất vấn phải được người dân và cử tri cảm nhận được những chuyển biến căn bản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2022, Quốc hội, HĐND các tỉnh, TP cùng thi đua để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng và kỳ vọng, mong muốn của cử tri, nhân dân cả nước./.