Chiều 17/9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Đại diện các Sở, ngành: Tòa án, Hội Luật gia, Tư pháp, Công an, Thanh tra đã tham dự và góp ý kiến.
Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung đề cập tới là việc xác định thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của cơ quan Tòa án. Theo ông Nguyễn Sơn, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, cần tạo dựng một quy định “mở” trong việc xác định thẩm quyền này. Ông Sơn cho rằng cần xây dựng dự thảo luật theo phương án mở rộng thẩm quyền, nhưng không nên theo phương án liệt kê mà nên áp dụng phương án loại trừ. Song việc thực hiện cũng chỉ nên áp dụng từng bước, điều chỉnh dần dần mới có thể từng bước thích ứng được.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, ông Đỗ Minh Sơn (Trưởng phòng Văn bản pháp quy) nhấn mạnh: dự thảo Luật cần tạo điều kiện cụ thể hơn nữa cho các đương sự và người khởi kiện, tránh tạo cho họ quyền nhưng chỉ chung chung, không thực tế. Ông Đỗ Minh Sơn viện dẫn tại Điều 48 (quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự) từ khoản 2 đến khoản 5 có nhiều nội dung rất khó áp dụng vào thực tiễn.
Điển hình như: Đương sự “được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do đương sự khác cung cấp hoặc do Tòa án thu thập”; được “yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”…
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cũng tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Hà Nội), bất cập lớn nhất của dự thảo liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của thanh tra. Luật Thanh tra chưa thể hiện rõ cơ quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, vừa là công cụ hữu hiệu tiến hành thanh tra phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước./.