Sáng 4/1, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Hầu hết ý kiến tán đồng cao với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết, trong đó, nhấn mạnh công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ được tiếp nhận thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân; ý kiến, kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trực tiếp gửi đến.

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, dự thảo cần quy định “mở hơn” để các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc nảy sinh thường xuyên cần kịp thời được giải quyết.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp không tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về người được lấy phiếu tín nhiệm; không hướng dẫn gợi ý cử tri có ý kiến đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với một người cụ thể.

Về nội dung công khai dân chủ đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị Dự thảo cần quy định rõ là công khai dân chủ ở phạm vi, mức độ nào. Kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cần được niêm yết tại chỗ ngay sau khi tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm./.