Chiều ngày 29/10, tại Cần Thơ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội Quốc hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS được ban hành năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trung bình, hằng năm xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Và Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.
Ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 20 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới trong đó có mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và giải pháp tăng cường nguồn nhân lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, những vấn đề sát với thực tiễn và quy định cụ thể về nguồn lực phòng, chống HIV, bảo đảm thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi cần tập trung vào một số nội dung như: xác định tình trạng nghiện ma túy; cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy và nguồn lực trong tổ chức cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau đối với một số vấn đề trong dự thảo Luật. Vì vậy, cần tham vấn thêm ý kiến, góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật như: Độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm; kinh phí xét nghiệm tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và nguồn lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh: "Trên cơ sở các ý kiến đóng góp chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu dự án Luật trình Quốc hội. Thứ hai đối với Luật phòng chống ma túy sửa đổi, các chuyên gia sẽ cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các biện pháp đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Mong đại biểu đóng góp thẳng thắn để chúng tôi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện".
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về một số vấn đề liên quan đến Luật phòng, chống ma túy sửa đổi và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS./.