Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội với 9 nội dung cơ bản, đang thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Dự thảo khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Viêt Nam và trao thêm thẩm quyền cho Chủ tịch nước. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, thành viên Ủy ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về những nội dung này.

PV: Nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định, làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, xã hội được thể hiện xuyên suốt Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Chúng ta xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề có tính nguyên tắc của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc này được thể hiện một cách nhất quán trong suốt các văn bản Hiến pháp của Việt Nam, đặc biệt là từ Hiến pháp năm 1980 và 1992.

leminhthong.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông

Như vậy, có thể nói rằng thể chế hóa, hiến định hóa sự lãnh đạo của Đảng là một tất yếu khách quan trong bối cảnh cách mạng Việt Nam. Theo tinh thần ấy, Hiến pháp sửa đổi bổ sung lần này vẫn tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội, Nhà nước Việt Nam, kế thừa gần trọn vẹn quy định của Hiến pháp năm 1992.

Vai trò lãnh đạo của Đảng không chỉ quy định trong Điều 4. Điều 4 Hiến pháp quy định rõ, cụ thể về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Còn bản chất của việc sửa đổi Hiến pháp là thể chế hóa quan điểm của Đảng về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Thể chế hóa những điểm mà cương lĩnh phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua sửa đổi bổ sung năm 2011.

Việc thể chế quan điểm ấy tức là khẳng định và thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng; thể hiện quan điểm chính trị của Đảng, tức là thể hiện sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế, tinh thần, nội dung sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt mọi chương, mọi điều khoản của bản Hiến pháp sửa đổi lần này chứ không chỉ ở Điều 4.

PV: Thưa ông, Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện như thế nào?

Ông Lê Minh Thông: Điểm mới so với Điều 4 hiện hành là, thể chế hóa điểm mới trong việc xác định bản chất của Đảng ta trong điều lệ Đảng được Đại hội lần thứ XI thông qua và thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội sửa đổi, bổ sung năm 2011.

Đó là, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà còn là đội tiên phong của cả dân tộc Việt Nam.

Vì thế, phải thể hiện rõ được bản chất này, là đội tiên phong của cả dân tộc. Ý nghĩa này rất quan trọng, điều đó xác lập quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng với toàn xã hội, với toàn dân tộc.

Cho nên, xuất phát từ thực tiễn nước ta, người ngoài Đảng hay người trong Đảng đều gọi Đảng là “Đảng ta” là vì vậy, chứ Đảng không chỉ là của giai cấp công nhân mà là của tất cả những người Việt Nam ở đất nước chúng ta.

PV: Điều 4 của Dự thảo nêu “Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Ông có thể lý giải rõ hơn ý nghĩa của quy định này?

Ông Lê Minh Thông: Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện trong điều lệ của mình là “mọi tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, mọi hành động của Đảng đều phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Nói đến Hiến pháp phải nói đến trách nhiệm, vì thế những chủ trương của Đảng, chính sách của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng, Đảng chịu trách nhiệm một cách trực tiếp chứ không chỉ có quyền mà không có trách nhiệm. Đảng ta không có lợi ích riêng. Lợi ích của Đảng là lợi ích của nhân dân, của đất nước, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Và sự chịu trách nhiệm của Đảng ta là chịu trách nhiệm chính trị đối với những quyết định của mình.

Hiến pháp quy định, Đảng chịu trách nhiệm về đường lối, quyết định của mình là hoàn toàn phù hợp. Một mặt để thấy được rằng trách nhiệm của Đảng, trách nhiệm chính trị lớn lao trước dân tộc, trước đất nước và Đảng tuân thủ điều đấy.

PV: Cũng là việc thể chế đường lối của Đảng về công tác cán bộ, Điều 94 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc phong hàm, cấp sỹ quan cấp cao vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định này?

Ông Lê Minh Thông: Công tác cán bộ về thực chất là công tác của Đảng. Đảng quyết định công tác cán bộ, quyết định việc luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt và kể cả xử lý cán bộ.

Tuy nhiên, công tác cán bộ của Đảng phải thể hiện qua quy định của luật pháp. Vì thế trong Hiến pháp sửa đổi xác định, thẩm quyền bổ nhiệm tướng lĩnh trong Hiến pháp của Chủ tịch nước là rất cần thiết. Sự cần thiết này là để phù hợp với tính chất thống lĩnh lực lượng các vũ trang của Chủ tịch nước.

Còn việc trao cho Chủ tịch nước quyền bổ nhiệm hoặc thăng hàm cấp tướng, điều đó không có nghĩa là một mình Chủ tịch nước làm. Đó như là thủ tục pháp lý để thể hiện vị trí công tác của từng cán bộ mà thôi.

Bên cạnh đó, quy định cũng phù hợp với vị trí thống lĩnh các lực lượng vũ trang và làm cho hệ thống quyền lực nước ta nhất quán, không ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng.

Đảng ta vẫn quyết định công tác cán bộ, lựa chọn, giới thiệu cán bộ ưu tú, trên cơ sở đó, Chủ tịch nước xem xét, bổ nhiệm. Tôi nghĩ không có gì trái với quy tắc về công tác cán bộ của Đảng.

PV: Hiến pháp hiện hành trao quyền cho Thủ tướng bổ nhiệm cấp hàm trung tướng, thiếu tướng đều là sĩ quan cấp cao. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trao lại quyền này cho Chủ tịch nước thì có khác gì về cách làm không?

Ông Lê Minh Thông: Thực ra đấy chỉ là sự phân công thôi. Việc phân công Chủ tịch nước bổ nhiệm từ Thượng tướng trở lên, Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm từ Trung tướng trở xuống cho các cấp hàm như hiện nay. Đấy là sự phân công công việc. Phân công đó thích ứng với công tác phân cấp quản lý cán bộ và cũng tiện hơn. Thế nhưng qua thực tế tổng kết cho thấy không phù hợp lắm với quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước. Ở đây Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chủ yếu là làm hợp lý hóa sự phân công thôi chứ không có ảnh hưởng gì đến nguyên tắc cán bộ cả.

PV: Tại Khoản 5, Điều 94 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân”. Vậy việc thống lĩnh cần được hiểu như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Từ “thống lĩnh” là chỉ vai trò, vị trí của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với lực lượng vũ trang. Còn chỉ huy, huy động lực lượng vũ trang sẽ gồm cả một hệ thống.

Chủ tịch nước là người đại diện cho quyền lực đó. Cho nên, mọi việc không nhất thiết phải giao cho Chủ tịch nước mới là thống lĩnh mà phân cấp, phân quyền cho các thiết chế quyền lực khác thì đều nằm trong nội hàm rồi.

Để thực hiện quyền thống lĩnh, người đại diện cao nhất cho quyền đó là Chủ tịch nước.

Về mặt pháp lý, tôi nghĩ không ảnh hưởng và không nhất thiết phải làm rõ nội hàm Chủ tịch nước thống lĩnh thì phải làm những việc gì, bởi vì cuộc sống rất uyển chuyển.

Từ “thống lĩnh” nội hàm của nó rất phong phú, nhiều chức trách, nhiệm vụ, nhiều hành vi, nhiều nội hàm thuộc về khoa học quân sự. Khái niệm này xin để các nhà quân sự lý giải một cách cụ thể hơn. Còn trong khuôn khổ Hiến pháp, tôi nghĩ quy định thế là đủ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.