Chiều 7/5, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc.
Sau khi nghe bài phát biểu bế mạc hội nghị và thông báo toàn văn của Hội nghị Trung ương 11, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các tỉnh, thành trong cả nước bày tỏ đồng tình phấn khởi.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Hội nghị Trung ương 11 đưa ra tiêu chuẩn rất cần thiết đối với người cán bộ lãnh đạo trong BCH Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hàng đầu về nâng cao bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, điều này có ý nghĩa lớn để người lãnh đạo quản lý, đặc biệt cấp chiến lược định hướng đúng, đưa đất nước phát triển đi lên. Khi có bản lĩnh chính trị, người lãnh đạo sẽ nâng cao trình độ, trí tuệ, lý luận...
“Người lãnh đạo sắp tới trong BCH Trung ương phải năng lực tổng hợp trên nhiều vấn đề, đòi hỏi trí tuệ am am hiểu làm cho đất nước phát triển theo hướng hiện đại, giải quyết các vấn đề ngoại giao, nội trị, quốc phòng, an ninh…phải có năng lực tổng hợp trên các lĩnh vực. Theo tôi chỉ cần 4 nhóm, đó là: Lý tưởng-Bản lĩnh; Trí tuệ-Học vấn; Đạo đức và Năng lực lãnh đạo quản lý và tổ chức thực tiễn. Nếu 4 khía cạnh đó làm tốt thì trách nhiệm người lãnh đạo hoàn thành trong điều kiện mới của đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc nói.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, bản lĩnh của các Ủy viên Trung ương chính là bản lĩnh trước cái tốt, cái xấu, bản lĩnh để vượt qua chính mình, vượt qua chủ nghĩa cá nhân. PGS.TS Bùi Đình Phong đặc biệt đánh giá cao điểm mới quan trọng tại Hội nghị lần này là, trong kết luận hội nghị, BCH Trung ương đã đưa vào nội dung kiên quyết không để lọt vào Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như tham vọng quyền lực, tham nhũng, có biểu hiện cơ hội chính trị…
PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, đây chính sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, xây đi đôi với chống: "Tôi cho rằng đây là điểm rất đặc biệt nếu ta làm được điều này thì đúng là chúng ta có 2 mặt đúng như Bác Hồ nói là xây và chống. Chúng ta xây dựng những tiêu chí tốt nhưng đồng thời cũng phải loại bỏ tất cả những con người nếu phát hiện dính những tiêu cực đó thì dứt khoát phải loại bỏ ra ngay, ở bất kể thời điểm nào. Có thể khi đưa vào Trung ương chưa phát hiện được nhưng khi vào Trung ương phát hiện ra thì đưa ra ngay. Nếu chúng ta làm được điều đó sẽ lấy được niềm tin của nhân dân".
Ông Nguyễn Tam Quý – cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, Hội nghị lần thứ 11 đã đưa ra nhiều nhóm tiêu chuẩn cán bộ rất cụ thể, khoa học.
“Về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội khóa XII, trong đó nêu rõ vấn đề tiêu chuẩn tương đối cụ thể, bao gồm cả vấn đề chính trị, phẩm chất đạo đức, gia đình, trách nhiệm, nói đi đôi với làm. Tôi thấy hết sức tâm đắc. Trung ương mà làm được như thế thì hết sức phấn khởi”, ông Nguyễn Tam Quý nói.
Ông Trần Hữu, ở phường Thuận Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến: “Bài phát biểu của Tổng Bí thư được cử tri rất hoanh nghênh. Nhưng trong thực tế làm như thế nào để lời của Tổng Bí thư đi vào hiện thực, từng cấp ủy Đảng, từng địa phương trong quy hoạch cán bộ phải xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học. Nhân dân và cử tri cũng rất tin tưởng những phát biểu của Tổng Bí thư sẽ đi vào trong cuộc sống”.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Bí thư chi bộ thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái nói: “Tôi rất hi vọng sẽ thực hiện được chủ trương như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư. Tuyệt đối không đưa vào BCH Trung ương những nhân sự có vấn đề. Bản thân tôi cũng như là các đảng viên khác và nhân dân rất hưởng ứng đồng thời rất mong mỏi thực hiện được. Chắc chắn Đảng sẽ trong sạch hơn, bộ máy nhà nước vững mạnh hơn. Đường lối của Đảng và nhà nước sẽ đổi mới theo đúng nguyện vọng của nhân dân”.
Ông Nguyễn Đức Long (ở phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) thì kỳ vọng không chỉ nhân sự ở Trung ương, mà nhân sự của địa phương cũng được lựa chọn thật tốt. “Người dân ai cũng mong muốn cán bộ lãnh đạo là những người có đức, có tài, làm được những việc có lợi cho nước, cho dân. Các đồng chí phải mang hết sức mình vì nhân dân phục vụ, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa. Ở các địa phương, chúng tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh xuống cơ sở là phải có đức, có tài, làm sao đưa đời sống nhân dân ngày một nâng cao, xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp”, ông Long nói.
Ông Khuấn Hữu Hán (ở tổ dân phố số 26, phường Đông Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) cho rằng: Cán bộ có giỏi, có tâm thì công việc mới “chạy” và nhân dân mới được nhờ. Vì vậy, ông cũng như nhiều người dân trong tổ dân phố nơi ông cư trú rất mong muốn vào một đội ngũ cán bộ thực sự tốt cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tới.
“Cơ cấu BCH Trung ương Đảng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đất nước. Bởi 100% các ủy viên ban chấp hành là bí thư, người đứng đầu của các tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Trong tình đất nước hiện nay, chúng tôi rất mong muốn BCH Trung ương khóa tới phải là những người có trình độ, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Đặc biệt, đội ngũ nhân sự này phải là những người có đức, có tài, có tâm huyết với nhân dân”, ông Hán nói./.