Đây là thông tin do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đưa ra tại buổi họp báo Quý I do đơn vị này tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng thì nhiều tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tổ chức, cán bộ, tín dụng, ngân hàng.

tham_nhung_hgjr.jpg
Ảnh minh họa (KT)

Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, chưa triệt để. Do vậy, tới đây, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo sẽ tập trung vào các biện pháp hướng tới tăng cường công khai, minh bạch, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Theo đó, Dự thảo lần này sẽ có hẳn chương riêng quy định trách nhiệm của người đứng đầu; một Chương riêng quy định về việc công khai và minh bạch tài sản thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản thu nhập một cách thực chất để xử lý đối với những trường hợp có hành vi tham nhũng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Hiện tại Thanh tra Chính phủ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng. Theo chỉ đạo, Luật lần này sửa toàn diện. Quá trình soạn thảo và hoàn thiện thì tập trung vào các vấn đề lớn, đó là đẩy mạnh công khai, minh bạch, nhấn mạnh trách nhiệm của người dứng đầu. Tập trung về minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập. Sau tổng kết 10 năm thực hiện Luật thì đây là nội dung còn thực hiện chưa tốt nên cần tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến là xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, và Quốc hội thảo luận cho ý kiến, trên đó Thanh tra Chính phủ, cơ quan thuộc chính phủ, Ủy ban Quốc hội hoàn thiện trình và thông qua”./.