"Anh Lập là con người quá hiếm trong cuộc đời này"
Trong câu chuyện bị ngắt quãng bởi nhiều lần xúc động, đại tá Võ Văn Minh (91 tuổi, trú số 111 đường Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) liên tục nhắc đi nhắc lại: "Anh Lập là một con người quá hiếm, quá quý trong cuộc đời này. Anh ấy đi ở tuổi 94, vậy là người bạn, người đồng đội ngày ấy của tôi đã ra đi sau một cuộc đời đẹp trọn vẹn. Cuộc đời này, tìm đâu ra người bạn thứ hai như anh".
Ông Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở miền bắc Hy Lạp. Năm 1943, mới 16 tuổi, ông bị bắt đi lính để đưa sang Đức phục vụ cho chế độ phát-xít Hitler. Đến Nam Tư, ông trốn thoát, sống vật vờ trên những chuyến tàu ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông không thể trở về Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân. Sau đó, ông bị tham gia đội quân lê dương của Pháp và được điều tới Đông Dương.
Tuy nhiên, ngay khi tới Sài Gòn năm 1946, được tận mắt chứng kiến những hành động tàn phá, giết chóc của quân đội xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội, nhận thức được rõ bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lập đã quyết định đi theo Mặt trận Việt Minh và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của các chiến sĩ Việt Minh, trở thành Bộ đội Cụ Hồ.
Năm 1948 tại chiến trường ông Võ Văn Minh gặp đồng đội Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập ở Tiểu đoàn 39. "Lúc đó, tôi tự hỏi rằng, điều gì đã khiến anh ấy quyết định đi với Việt Nam? Tôi chỉ có thế nói rằng, đó là vì tình yêu thương con người vô bờ bến. Quyết định đi với Việt Nam của anh, sau này khi biên soạn in sách, đã được chúng tôi dịch ra tiếng Việt, cảm động vô cùng. Quên sao được trận đánh Hương An ngày 13/4/1948, quên sao được trận đánh tại ga Phú Cang ngày 6/11/1948. Chiến trường khốc liệt, tôi có biết chút ít tiếng Pháp, mà anh Lập thành thạo tiếng Pháp, nên anh em đã nhiền lần tâm sự, hỗ trợ nhau nhiều công việc. Sau này, anh Lập là người học rất nhanh và rành tiếng Việt”, đại tá Võ Văn Minh nói.
Trước khi nhận nhiệm vụ mới được giao là phụ trách Tổng giám thị Trại tù binh Âu – Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Lập được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1949.
Cuộc hội ngộ bất ngờ
Năm 1958, ông Nguyễn Văn Lập kết hôn với một cô gái Hà Nội, sinh được bốn người con và không nghĩ đến việc rời Việt Nam. Nhưng ở Hy Lạp, ông Lập còn có bà mẹ già, sau nhiều năm mất liên lạc, nay biết tin còn sống, bà rất mong được gặp lại. Năm 1965, ông và vợ cùng các con rời Việt Nam về Hy Lạp. Ông nhiều lần trở lại Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, đồng đội và được các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp thân mật.
“Tôi và anh Lập gặp lại nhau vào năm 2005 và nhiều cuộc gặp sau đó, tôi càng thêm quý, thêm tin yêu người bạn mang dòng máu Hy Lạp mà có trái tim Việt Nam”, đại tá Võ Văn Minh kể về cuộc “hạnh ngộ, trùng phùng” khi ông đọc báo và nhìn thấy dòng tin nhắn của Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
Năm 2005, bẵng đi sau nhiều tháng năm, một lần tình cờ ông Minh đọc trên Báo Quân đội nhân dân những dòng tâm sự do ông Nguyễn Văn Lập nhắn gửi trên báo, tìm đồng đội cũ là những người đã cùng kề vai sát cánh, sống, chiến đấu trên chiến trường Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp. Lúc đọc xong dòng tin nhắn đó, đại tá Minh đã nhận ra người lính quốc tế đó chính là Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập – người đã rời bỏ hàng ngũ quân viễn chinh và có mặt ở Đại đội 1 - Tiểu đoàn 39 - Trung đoàn 108.
Không biết phải liên lạc với đồng đội Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập như thế nào, ông Minh đã viết một bức thư ngắn, gửi báo Quân đội Nhân Dân nhờ giúp đỡ, liên lạc.
“Thật cảm động vì ít lâu sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại gọi từ Hy Lạp, anh Lập đã nhận ra Minh. Anh ấy muốn nhìn thấy hình ảnh thời trẻ và hiện tại của tôi. Anh Lập một mình bay tới Đà Nẵng thăm tôi ngay sau đó không lâu. Bây giờ nhớ lại, vẫn rưng rưng xúc động. Lúc anh sang, tôi không để anh ở lại khách sạn mà mời anh về nhà ở lại với cả gia đình tôi. Cùng ăn những bữa cơm gia đình đạm bạc, đầm ấm”, đại tá Minh nhớ lại.
Và cũng cơ duyên đó, căn nhà số 111 Ngũ Hành Sơn của ông Minh đã trở thành điểm hẹn gặp gỡ của anh em đồng đội cũ.
“Sau đó, nhiều lần nữa anh Lập sang Việt Nam, có lần đưa cả vợ và các con đến thăm gia đình tôi. Chúng tôi đã có những cuộc về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp đồng đội cũ, ra thủ đô viếng lăng Bác Hồ… Kỷ niệm đó, suốt một đời không bao giờ quên. Thực sự, đó là một người anh quá quý và thương”, ông Minh bồi hồi.
Những ân tình với Đà Nẵng
Trong những lần trở lại Đà Nẵng-Việt Nam, ngoài việc trở về mảnh đất khu 5 anh dũng, kiên trung mà ông từng sống và chiến đấu, Anh hùng LLVTND Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập còn dành rất nhiều tình cảm mến thương, chắt góp từng chút tiền tiết kiệm, tiền xuất bản sách để trao tặng cho những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng.
Trong nhiều lần đến và trao tặng tiền hỗ trợ các em nhỏ là nạn nhân da cam, có số tiền 2.700 euro mà Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã bán cuốn sách “Vì sao tôi theo Việt Minh”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc ca cam Đà Nẵng, nhớ lại: "Ngoài tiền cá nhân, tiền bán sách, năm 2009-2010, nhờ ông Lập vận động, Đại sứ quán Hy Lạp tại Việt Nam đã hai lần quyên góp cho hội nạn nhân da cam Đà Nẵng số tiền 12.000 USD".
“Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi cảm ơn ông Lập vô cùng. Ông là một người nước ngoài có trái tim nhân hậu, bao dung. Tấm lòng và sự sẻ chia của ông đối với các cháu nạn nhân chất độc da cam, dioxin tại Đà Nẵng vô cùng trân quý, không thể nói hết bằng lời”, bà Hiền xúc động nói.
Ghi nhận tấm lòng và những đóng góp rất lớn của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đối với TP Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã quyết định tặng gia đình ông một căn hộ chung cư.
“Tôi và anh Lập đã đi xem nhà, vui lắm, nhưng sau đó anh đã trả lại. Vợ anh không thể qua đây mà năm đó, anh cũng lớn tuổi rồi. Anh cảm ơn thành phố nhưng anh chỉ nhận tấm lòng thôi”, đại tá Minh rưng rưng nói về bạn.
Kết thúc buổi trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân, Đại tá Võ Văn Minh lật giở cuốn album gia đình, trang đầu tiên là ảnh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập và một tấm ảnh quê hương ông Lập. Đại tá Minh lần từng ngón tay run run lên gương mặt bạn mình trong ảnh: “Bên đó xa xôi, tấm lòng ngưỡng vọng anh từ đất mẹ Việt Nam, mong anh yên nghỉ vĩnh hằng”./.