Năm 2014 vừa qua, huyện ủy Phúc Thọ là đơn vị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội triển khai việc đối thoại với dân và được đánh giá là làm tốt công tác này. Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho rằng, việc Đảng tiếp xúc với dân là việc làm cần thường xuyên. Như Bác Hồ đã từng nói: Đảng không có lợi ích nào khác là lợi ích của dân, rõ ràng Đảng và dân là sự đồng điệu về lợi ích, về tiếng nói. Do đó, việc đối thoại để Đảng hiểu dân, dân hiểu Đảng là việc làm rất cần thiết và đó là sinh hoạt bình thường, cần có của Đảng.
Quan trọng sẽ làm được gì cho dân sau đối thoại
“Từ nhận thức đó, chúng tôi đã làm và sau này được coi là đơn vị dẫn đầu, tiên phong của Thành phố về việc này. Khi làm, chúng tôi chỉ băn khoăn thực hiện là làm sao để dân nói được những khúc mắc, đang phát sinh từ cơ sở. Và quan trọng, mình sẽ làm được gì cho dân sau khi đối thoại, sinh hoạt chứ chúng tôi không ngại tiếp xúc với dân”- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, qua đối thoại thì rõ ràng Đảng hiểu dân và dân hiểu Đảng hơn. Nhiều vấn đề bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân được tiếp thu để bàn và xử lý, nhiều vấn đề giải quyết được ngay. Qua việc giải quyết đã củng cố niềm tin với Đảng của nhân dân.
“Có một đồng chí đảng viên nói rằng “tại sao việc này Đảng không làm từ lâu nay đi nhỉ, nếu Đảng làm từ lâu thì bao nhiêu vấn đề bức xúc của người dân đã được giải quyết.” Đó là một lời khích lệ nhưng lại đặt ra trách nhiệm với chúng tôi. Điều vui mừng là qua 3 hội nghị về thăm dò dư luận thời gian gần đây của huyện thì những vấn đề bức xúc của người dân đã giảm đi rất nhiều. Phải chăng từ chính các cuộc đối thoại thì các địa phương cũng đã giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân”- ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, điều quan trọng nữa là chính đội ngũ cán bộ của huyện, trưởng các phòng, ban, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân qua việc đối thoại cũng nhận thấy trong quá trình lãnh đạo, bản thân nhận thấy mình đang làm và phục vụ được nhân dân đến đâu, việc gì mình tham mưu chưa chuẩn để góp phần thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Sau khi đối thoại xong thì huyện Phúc Thọ họp và yêu cầu Ủy ban tổng hợp tất cả các kiến nghị của người dân, từ đó từng ngành xây dựng kế hoạch để giải quyết những kiến nghị đó. Định kỳ 3 tháng một lần Ủy ban phải báo cáo lại Thường trực kết quả thực hiện.
Cùng với đó, huyện đã xây dựng Chỉ thị về việc đối thoại thường kỳ với dân, hướng tới là chính quyền đối thoại, không phải đối thoại thường kỳ mà là đối thoại hẹp. Ví dụ, dân bức xúc về vấn đề môi trường thì sẽ đối thoại với nhân dân về vấn đề đó. Qua đó sẽ củng cố niềm tin, tình cảm của người dân với Đảng, đội ngũ cán bộ thấy trách nhiệm hơn, đó là trách nhiệm với Đảng, để thực hiện mục tiêu mãi mãi niềm tin theo Đảng.
Ông Hiểu kể lại câu chuyện khi mà tháng 9/2012, ông mới mới về huyện Phúc Thọ công tác. Phó Bí thư thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo nông thôn mới của Thành phố về làm việc tại huyện. Tại buổi làm việc, 7 ý kiến phát biểu đều phê bình Phúc Thọ về xây dựng nông thôn mới, chậm, đi sau, ngại khó. “Nhưng vừa qua, lãnh đạo cấp trên về Phúc Thọ đều nhận định, Phúc Thọ là huyện trong top dẫn đầu của Thành phố về xây dựng nông thôn mới. Rõ ràng, đây là bước ngoặt mà chúng tôi cho rằng là kết quả trực tiếp của Nghị quyết Trung ương 4”.
Người đứng đầu phải sẵn sàng nhận khuyết điểm
Khi mới về địa phương, ông Ngọc Duy Hiểu cho biết sẵn sàng nhận cho mình 6,7 khuyết điểm và từng khuyết điểm cũng nói là chưa có điều kiện nghiên cứu sâu địa phương. Thời gian đầu, Bí thư Huyện ủy sẵn sàng ở lại một vài tháng để tiếp xúc với nhân dân.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chia sẻ, qua kiểm điểm ở huyện Phúc Thọ có câu chuyện là những địa phương làm tốt, thì cán bộ khi tự kiểm điểm lại nhận có nhiều nhược điểm hơn những cán bộ ở địa phương còn nhiều tồn tại. “Phải chăng là những người rất nghiêm túc thì tinh thần “sám hối” cao hơn những người đang có vấn đề nhưng ngại nói ra những nhược điểm?”.
Ông Hiểu cho rằng, để tạo ra những chuyển biến ở địa phương, trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, phải đặc biệt chú trọng ở vai trò tự phê bình và phê bình của người đứng đầu.
“Phải xây dựng chế độ trách nhiệm rõ hơn, bởi vì hạn chế của ai, trong lĩnh vực nào cũng phải căn cứ vào hành lang pháp lý và trách nhiệm của họ đến đâu, từ đó mới biết họ làm thế nào và có trách nhiệm gì với công việc”- ông Hiểu nói./.