Đến 1/1/2016, Luật BHXH mới có hiệu lực thi hành, nhưng những ngày qua công nhân tại công ty TNHH Pouyen ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM và công nhân ở một số khu công nghiệp ngừng việc tập thể do không nhất trí với quy định mới của Luật này.
Trao đổi với báo chí về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực thi hành vào 1/1/2016, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, việc chăm lo cho người lao động nói chung có một cuộc sống ổn định sau khi kết thúc độ tuổi lao động là vấn đề quan tâm không chỉ của người lao động, mà Đảng và Nhà nước cũng hết sức quan tâm. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như MTTQ Việt Nam có chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này. Luật BHXH mới có hiệu lực từ 1/1/2016. Được biết trong quá trình xây dựng luật các cơ quan soạn thảo có lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Đây là việc làm đúng quy trình, được nhân dân đánh giá cao.
Bảo đảm tối đa các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đây chính là sự băn khoăn của người lao động trong thời gian qua, thể hiện họ muốn có sự lựa chọn của mình là vẫn tiếp tục cam kết đóng đến khi nghỉ hưu nhận chế độ là lương hưu, là phương thức đóng bảo hiểm một lần. Nội dung này được Chính phủ thảo luận trong phiên họp Chính phủ vừa qua, trong đó Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐTBXH đã có báo cáo, khi người lao động băn khoăn, thì có lắng nghe, đối thoại và có ý kiến và cam kết chuyển ý kiến này đến phiên họp Chính phủ. Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ cho ý kiến và đề nghị MTTQ Việt Nam phát biểu ý kiến về việc này.
Trong phiên họp này, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đồng tình với quan điểm mà Tổng LĐLĐ kiến nghị với Thủ tướng để Chính phủ có cơ sở trình Quốc hội trong quá trình thẩm định hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực từ 1/1/2016, nên xem xét có điều chỉnh phù hợp để người lao động có khả năng lựa chọn, đó là vẫn giữ quyền hưởng lợi ích của mình khi đã tham gia bảo hiểm mà đến lúc phải chấm dứt hợp đồng lao động theo Luật Lao động cũ là được trợ cấp một lần. Đồng thời, họ vẫn có khả năng thứ hai là không nhận trợ cấp một lần và ghi nhận đóng góp vào sổ lao động của mình tiếp tục đóng khi có việc làm mới và hưởng chính sách hưu trí theo đúng tinh thần Luật Lao động. MTTQ Việt Nam ủng hộ ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên Chính phủ và Chính phủ đã kết luận đề xuất ý kiến này với Quốc hội trong thời gian gần nhất.
"Một lần nữa, MTTQ Việt Nam đại diện cho nhân dân cả nước, khẳng định ủng hộ Tổng LĐLĐ kiến nghị với Chính phủ nhằm bảo đảm tối đa các quyền và lợi ích chính đáng của những người lao động”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ Việt Nam đại diện cho nhân dân cả nước, khẳng định ủng hộ Tổng LĐLĐ kiến nghị với Chính phủ nhằm bảo đảm tối đa các quyền và lợi ích chính đáng của những người lao động, còn quyết định là quyền của Quốc hội. “Hiện nay, trong hoạt động MTTQ Việt Nam chưa có giám sát nội dung Điều 60, Luật BHXH, bởi văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể. Chúng tôi đang giám sát các luật đang có hiệu lực, ví dụ giám sát việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp đã làm hơn 1 năm và đang đẩy mạnh việc này”./.