GS-TS Hoàng Chí Bảo là người đã nhiều năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Ông hiện là chuyên gia cao cấp Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, bản Di chúc là một trong những tác phẩm cuối cùng Người đề lại cho nhân dân, cho Đảng và bạn bè quốc tế. Khi khởi thảo tài liệu này, Người rất trăn trở suy nghĩ và có thể nói bản Di chúc đã kết tinh được tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng đạo đức.

ong_bao_tr_ulun.jpg
GS-TS Hoàng Chí Bảo tham dự chương trình phát thanh đặc biệt của VOV: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Di chúc về con người, vì con người

"Bên lề của trang giấy đầu tiên, Bác ghi Tài liệu Tuyệt đối bí mật và bên kia Bác ghi mừng dịp sinh nhật 75 tuổi. Đây quả thực là một hiện tượng văn hóa kỳ diệu, hy hữu có một không hai giữa thế kỷ 20 đời sống của dân tộc ta và của cả nhân loại. Bác trăn trở ghi là tài liệu tuyệt đối bí mật, vì chúng ta hiểu rằng Bác thương dân, cả cuộc đời Bác chỉ đau đáu một nỗi niềm vì dân mà thôi. Bác không muốn điều này lộ ra ngoài làm người dân lo lắng, đau khổ khi cảm thấy không còn Bác. Bên cạnh đó, sự nghiệp cách mạng của chúng ta thời điểm đó đang rất hệ trọng, chiến tranh diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc. Bác trù tính bao nhiêu công việc cho hiện tại và tương lai cho nên những điều trăn trở của Bác ở thời điểm đó cho thấy Bác hết sức cân nhắc"- GS Hoàng Chí bảo nói.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, Bác ghi tài liệu Tuyệt đối bí mật, bởi vì nhìn lại trong hoàn cảnh đất nước còn đang chia cắt, kháng chiến chống Mỹ còn rất gian nan vất vả, đời sống quốc tế cũng nhiều nỗi bất hòa, đây là một trong những nỗi đau của Bác. Những điều Bác dặn thiêng liêng và hệ trọng sau khi Bác mất chúng ta mới có thể biết về điều này. Bác ghi tuyệt đối bí mật là như vậy.

Trong nhiều tài liệu, hồi ký có kể lại, bác mời TBT Lê Duẩn đến ký chữ ký chứng kiến, Bác giao cho ông Vũ Kỳ - Thư ký lâu năm của mình, giữ bản di chúc. Trong những lần đi công tác nước ngoài, nhất là lần Bác đi Trung Quốc chữa bệnh theo chỉ thị của Bộ Chính trị, có lần Bác dặn ông Vũ Kỳ “chú giữ bí mật cho Bác, chỉ khi nào Bác đi rồi, chú hãy báo với Trung ương, Bác có bức thư để lại”. Những điều ấy càng cho thấy trăn trở của Người hệ trọng, thiêng liêng và cao cả như thế nào./.