Cách đây 45 năm, ở Quảng trường Ba Đình, Đảng ta đã công bố Di chúc của Bác. Bản Di chúc của Bác là một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xa, trông rộng, suốt đời vì nước, vì dân.

Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Bản Di chúc của Người, VOV.VN phỏng vấn TS sử học Trần Văn Miều, nguyên Giám trung tâm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu nhi Trung ương, người có trên 30 năm gắn bó với công tác dân vận.

“Đoàn kết trong Đảng như một cái cây”

PV: Ông có thể đánh giá những cố gắng và thành tựu nổi bật sau 45 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Bác?

TS Trần Văn Miều: Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật: Giữ vững được độc lập, chủ quyền và chính thể của đất nước; vượt qua khủng hoảng kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế có sự tăng trưởng khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mở rộng quan hệ với các nước và hội nhập quốc tế.

anh_mieu_dmgs.jpgTS sử học Trần Văn Miều, nguyên Giám trung tâm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu nhi Trung ương
Bên cạnh những thành tựu, tôi cho rằng, hạn chế còn trên nhiều mặt, nhưng hạn chế lớn nhất là công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chưa đạt hiệu quả. Tình trạng đảng viên thoái hóa, biến chất, tham những, quan liêu chưa bị đẩy lùi. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu.

Cùng với đó, việc chống tư tưởng tự diễn biến và tự chuyển hóa trong Đảng còn thiếu cụ thể, sinh hoạt Đảng còn hình thức và nguyên tắc đấu tranh tự phê bình, phê bình bị xem nhẹ.

Mặt khác, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ chưa cụ thể. Từ những biểu hiện trên dẫn tới uy tín của Đảng trong nhân dân bị giảm sút.

PV: Trong bản Di chúc, Bác căn dặn “Từ Trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Ông đánh giá như thế nào về lời dạy này của Bác?

TS Trần Văn Miều: Bản Di chúc của Bác là một kiệt tác và tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta. Bản Di chúc với những nội dung chặt chẽ, sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc và thẫm đẫm triết lý phương Đông.

Trong đó Bác đặc biệt quan tâm đến giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Trong phần “Trước hết nói về Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến đoàn kết là nguyên nhân cốt lõi của mọi thắng lợi của Đảng và đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân.

Nhờ có tinh thần mẫn cán và dự đoán tinh thông được tình hình sẽ diễn ra sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Nhận rõ sức mạnh vô song của đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Người: “Không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Câu nói nổi tiếng của Người là nguồn gốc sức mạnh để Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta viết lên những trang sử vẻ vang nhất trong các thời đại của dân tộc.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại để đi đến tổng kết về lý luận và thực tiễn-đoàn kết vừa là mục tiêu, vừa là động lực tinh thần và nguồn gốc làm nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc. Việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của từng đảng viên là nguyên tắc bất di bất dịch.

Tiếp đến Người đã chỉ ra giải pháp cơ bản để giữ gìn sự đoàn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong 15 tác phẩm. Trong bài nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên Hải Phòng (ngày 30/5/1957), Người chỉ rõ mục đích của tự phê bình và phê bình: “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Đoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà đi đến đoàn kết hơn nữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình. Cũng trong bài nói chuyện tại Hải Phòng, Người ân cần chỉ bảo: “Phê bình phải dân chủ, nghĩa là Bác phê bình các cô, các chú, trái lại các cô, các chú có thể phê bình Bác, mà phải phê bình Bác, có cái hay phải học, cái khuyết điểm thì phê bình. Các cô, các chú yêu Bác, muốn Bác tiến bộ thì phải phê bình”.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam càng phải giữ vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Chỉ có tự phê bình thì mỗi đảng viên mới nhận rõ: ta và địch, bạn và thù, cái ưu và cái khuyết, cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, cái tiên tiến và cái lạc hậu, cái nên làm và cái không nên làm…

Việc tự phê bình phải làm thường xuyên, liên tục mới gột rửa được khuyết điểm, mới phát huy được ưu điểm. Đi đôi với tự phê bình là nêu cao tinh thần phê bình, đảng viên góp ý cho nhau, quần chúng góp ý xây dựng Đảng. Phải kết hợp hài hòa giữa tự phê bình và phê bình, hai việc này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân tộc, tôi nhận thấy, đoàn kết trong Đảng như một cái cây. Muốn cây xanh tốt, ra hoa thơm trái ngọt thì phải có rễ tốt. Rễ cọc là tự phê bình và rễ chùm là phê bình. Cây nào cũng cần có rễ cọc và rễ chùm. Cây muốn vững cần có rễ cọc khỏe, cây muốn xanh tươi phải có rễ chùm tốt. Cây có rễ vững và tốt, nhưng lại cần có đất và không khí. Đất và không khí là biểu hiện của dân chủ rộng rãi. Như vậy, cây đoàn kết muốn xanh tươi, có nhiều hoa thơm trái ngọt thì phải có đất nước và không khí, cần có rễ cọc và rễ chùm.

Phải “tự phê bình” trong việc thực hiện Di chúc của Bác

PV: Trong Di chúc, Bác rất quan tâm đến việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Là một nhà nghiên cứu về thanh niên, ông cho biết, trong 45 năm qua, chúng ta đã thực hiện tư tưởng này của Người như thế nào?

TS Trần Văn Miều: Qua nghiên cứu cho thấy, trong 45 năm qua, chúng ta khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Một hệ thống quan  điểm toàn diện và sâu sắc về bồi dưỡng thế hệ cách mạng trẻ tuổi; làm rõ nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới; chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội (xã hội hóa công tác thanh thiếu nhi).

Về thực tiễn, chúng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng các chủ trương và quan điểm của Đảng về lãnh đạo thanh niên và công tác thanh niên. Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về thanh niên và công tác thanh niên. Nhà nước đã thể chế hóa chủ trương và quan điểm của Đảng vào chính sách và pháp luật nhằm chăm lo đào tạo thế hệ trẻ. Đã có hệ thống các chính sách về học tập, việc làm, vui chơi giải trí, chính sách hỗ trợ nhóm thanh thiếu nhi yếu thế, chính sách cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện và chính sách đào tạo tài năng trẻ; mở rộng quan hệ quốc tế thanh niên và thanh niên làm công tác đối ngoại nhân dân...

Các chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, trong đó có Đoàn, Hội, Đội đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cụ thể là việc thực hiện tư tưởng “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người còn có những bất cập. Đó là: Chưa làm rõ vị trí, vai trò của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; Chưa có nghiên cứu sự phát triển toàn diện của thanh niên; Chưa đánh giá đầy đủ về tiềm năng to lớn của thanh niên; Chưa đánh giá tác động của chính sách và pháp luật đối với việc phát triển thanh niên…

Trong đánh giá thanh niên vẫn còn biểu hiện sai lệch về phương pháp – còn dựa vào hiện tượng để đánh giá bản chất của thanh niên; mới dựa vào nhóm nhỏ để đánh giá cả thế hệ thanh niên; chưa dựa vào điều kiện lịch sử cụ thể để đánh giá thanh niên.

Do chưa xây dựng được phương pháp luận trong đánh giá thanh niên nên còn thiếu tin tưởng vào thanh niên, chưa mạnh dạn giao việc cho thanh niên, chưa có những chính sách đủ mạnh để bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ trong các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tỷ lệ thanh niên trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp còn ít. Nước ta rất ít thanh niên giữ chức phó vụ trưởng và vụ trưởng, hầu như không có Thứ trưởng dưới 40 tuổi.

PV:Ông cho biết, trong tình hình của nước ta như hiện nay, vừa phải đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, vừa phải tăng cường việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thì việc thực hiện Di chúc của Bác có ý nghĩa như thế nào?

TS Trần Văn Miều: Tôi cho rằng, việc đánh giá 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ cần làm sâu rộng hơn nữa, cần coi đây là đợt sinh hoạt chính trị của cả hệ thống chính trị. Đợt sinh hoạt chính trị này thực hiện từ nay đến dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác (tháng 5/2015) và kết hợp với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các tổ chức, mỗi đảng viên, đoàn viên “tự phê bình” xem mình đã thực hiện Di chúc của Bác như thế nào và đề ra chương trình rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, việc thực hiện Di chúc của Bác có ý nghĩa thiết thực. Thông qua đó để xây dựng tinh thần đoàn kết trong Đảng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết với các nước và các lực lượng tiến bộ trên thế giới; giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền biên giới quốc gia; phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; chăm lo bảo vệ và đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm 2015, nước ta có những ngày lễ lớn, trong đó có kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đề xuất với Đảng và Nhà nước xem xét để xây dựng bức tượng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” ở thủ đô Hà Nội. Bức tượng Bác cầm cây đũa chỉ huy dàn nhạc sẽ là biểu tượng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Bệ tượng là 14 cột đá, bó chặt lại với nhau, tượng trưng cho “bó đũa không thể bẻ gãy”. Mười bốn chiếc cột đá là 14  chữ trong câu nói nổi tiếng của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Con số 14 còn nói lên triết lý sống của phương Đông “Sinh – Lão”

PV: Xin cảm ơn ông./.