Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, ban tổ chức đã khai mạc triển lãm “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Triển lãm trưng bày gần 200 bức ảnh, hiện vật, tài liệu, trong đó một số tài liệu lần đầu được công bố. Triển lãm giới thiệu toàn văn 10 trang bản sao từ bản Di chúc gốc của Bác Hồ; một số tài liệu, hiện vật quan trọng liên quan tới Di chúc của Người; các tài liệu, hiện vật về thành tựu 45 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và thực hiện chính sách xã hội; đoàn kết, hữu nghị, hợp tác quốc tế; xây dựng và chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Triển lãm kéo dài từ ngày 29-8 đến 29-10.
Tại Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà khoa học đã phân tích rõ từng mốc lịch sử và giá trị to lớn của Di chúc; đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề, nội dung, như: Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và quốc tế; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy nguồn lực con người nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ sau…
Đề cập đến vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phần lớn các tham luận tập trung phân tích tư tưởng của Người về vai trò của Đảng cầm quyền: Đảng phải hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Muốn thế, toàn thể cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Để làm tròn vai trò, sứ mệnh của mình, Đảng phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ rộng rãi.
Về vấn đề xây dựng đất nước sau chiến tranh, các tham luận phân tích tâm nguyện của Bác, cũng là lý tưởng cách mạng của Đảng ta là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đó chính là tư tưởng về bản chất mục tiêu của chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên như một khát vọng tột cùng: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Một số tham luận phân tích ý nghĩa, tư tưởng của Người với việc xây dựng, phát huy nguồn lực con người trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; phân tích tư tưởng quan trọng về tinh thần khoan dung, khẳng định Di chúc của Bác là điểm hội tụ của lòng khoan dung cao cả, là biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa hòa bình.
Vấn đề hết sức quan trọng được nhiều tác giả tập trung phân tích là những thành tựu của 45 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc của Bác: Đảng và nhân dân ta đã tiến hành công cuộc đổi mới vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng một nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, từng bước thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; tập trung xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng… Các đại biểu cũng nêu ra phương hướng, giải pháp để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới theo tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các nhà khoa học tham dự hội thảo thống nhất nhận định: Hội thảo là dịp bày tỏ tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu, góp phần nâng cao nhận thức, làm sáng tỏ tư tưởng vĩ đại của Người - đó là những chân lý sáng ngời về trí tuệ và phẩm hạnh mà Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta; đồng thời khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.