Đảng ta đã có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa bảng, nhà khoa học, doanh nhân giỏi tham gia vào Chính phủ để gánh vác những công việc nặng nề, phức tạp của đất nước ngày từ ngày đầu giành độc lập. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Từ những năm đầu 1960, mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra rất ác liệt, nhưng với tầm nhìn chiến lược chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao, trước mắt phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước, nhưng về lâu dài là phục vụ công cuộc kiến thiết nước nhà, Bộ Chính trị (khóa III) đã ra Nghị quyết về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong đó khẳng định “Muốn học sinh giỏi vào các trường đại học, phải có kế hoạch phát triển và bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ lớp 7, lớp 8”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu vào ngày 3/2 |
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975), nền giáo dục của nước ta bước sang một giai đoạn cách mạng mới, cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị (khóa IV) ra Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 về cải cách giáo dục, trong đó yêu cầu “Trong hệ thống giáo dục phổ thông cần mở những trường - lớp phổ thông cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt...” nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài cho đất nước.
Tiếp theo Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục, Bộ Chính trị (khóa IV) đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 20/4/1981 về “Chính sách khoa học và kỹ thuật”, trong đó chỉ rõ “Trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng thực sự về quyền lợi học tập cho mọi người và phổ cập giáo dục cho toàn dân, cần quan tâm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, những nhân tài của đất nước”.
Đến Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương có nêu “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ”.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, trong đó ghi rõ “Giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng nhiều người giỏi về khoa học, công nghệ, kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội... Nhà nước có chính sách toàn diện thực hiện giáo dục phổ cập phù hợp với yêu cầu và khả năng của nền kinh tế, phát triển năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài”.
“Mở rộng đào tạo nghề; bồi dưỡng nhiều người giỏi về khoa học, công nghệ, kinh doanh, về quản lý kinh tế, xã hội và nhiều công nhân lành nghề; nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho người lao động”.
Trong văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa VII) đã nêu “Hình thành từng bước các trường lớp trọng điểm có chất lượng cao trong các ngành học, bậc học, cấp học; mở rộng hệ thống trường, lớp năng khiếu ở phổ thông, xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”.
Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã nêu: “Xây dựng hệ thống trường chuyên, trường trọng điểm, trung tâm chất lượng cao ở các bậc học. Coi trọng việc dạy ngoại ngữ và tin học từ cấp phổ thông... Đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học, kết hợp đào tạo với nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến. Mở rộng hệ thống các trường lớp dạy nghề và đào tạo công nhân lành nghề. Phát triển đào tạo sau đại học; tăng số lượng đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài và tại các trung tâm đào tạo quốc tế ở trong nước. Khuyến khích du học tự túc... Dành ngân sách Nhà nước thoả đáng để cử những người giỏi và có phẩm chất tốt đi đào tạo và bồi dưỡng về những ngành nghề và lĩnh vực then chốt ở những nước có nền khoa học, công nghệ phát triển”.
Trong văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta khẳng định: “Có chính sách hỗ trợ đặc biệt những học sinh có năng khiếu, hoàn cảnh sống khó khăn được theo học ở các bậc học cao. Có quy hoạch và chính sách tuyển chọn người giỏi, đặc biệt chú ý trong con em công nhân và nông dân để đào tạo ở các bậc đại học và sau đại học. Tăng ngân sách Nhà nước cho việc cử người đi đào tạo ở các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Khuyến khích việc du học tự túc... Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc; khuyến khích cán bộ khoa học, kỹ thuật công tác tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn; động viên các nhà khoa học bám sát cơ sở sản xuất, hướng dẫn nhân dân nắm bắt và làm chủ những tri thức mới về khoa học và công nghệ”.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X, tư tưởng chỉ đạo về phát triển nhân tài của Đảng ta được khẳng định: “Xúc tiến xây dựng một số trường đại học của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, đào tạo nhân tài cho đất nước”. “Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao... Thu hút chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy, phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam”. “Thực sự tôn vinh các doanh nhân có tài và thành đạt, đóng góp nhiều cho xã hội”.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đưa ra chủ trương mới về sự phát triển, nhấn mạnh nhân tố con người, coi trọng phát triển bền vững, hài hòa, chủ trương thay đổi mô hình tăng trưởng (chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng…). Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2011-2020), Đảng ta đã chỉ rõ: “Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn”.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ định hướng việc phát hiện, trọng dụng nhân tài của đất nước là: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề”. “Phát huy và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tri thức của con người Việt Nam và khai thác nhiều nhất tri thức của nhân loại. Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”.
Mới đây nhất, Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra cuối tháng 1/2016 cũng nêu rõ về vấn đề xây dựng, phát triển văn hoá, con người: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá, con người; phải thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Làm cho giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thànhsức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khoẻ về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hoá, con người. Mọi hoạt động văn hoá, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hoá; phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đến bảo tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số, văn hoá tôn giáo, xây dựng thiết chế văn hoá,... đều phải phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá, con người".
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
“Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh”.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đang đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia, sử dụng đội ngũ trí thức, tạo thành chủ trương, cơ chế thống nhất. Đó là một giải pháp căn bản của sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.