Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng với nhan đề “Ba mươi năm đổi mới: Nhìn lại và suy ngẫm” đăng trên VietnamNet:

Công cuộc đổi mới do Đảng CSVN lãnh đạo đã giành được những thành tựu đáng kể, cải thiện tình hình nhiều mặt của đời sống xã hội; đưa đất nước vượt qua thời kỳ hết sức khó khăn và nghèo đói, trở thành một nước có thu nhập trung bình, thế và lực đã tăng nhiều.

Mặt khác, so sánh với thế giới và khu vực, đến nay, nước ta vẫn còn nhiều mặt tụt hậu, có mặt đã tụt hậu xa hơn so với một số nước. Cần khách quan và cầu thị, nhìn lại và suy ngẫm, để sắp tới tiếp tục công cuộc đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn, nhằm tạo sự phát triển vượt bậc, hiệu quả cao và bền vững hơn.

Đã có các tổng kết, các con số, khá đầy đủ về 30 năm đổi mới, kể cả thành tựu, yếu kém và nguyên nhân, bài học. Tôi không nhắc lại mà chỉ xin nêu mấy suy nghĩ chắt lọc từ thực tiễn đổi mới để bạn đọc tham khảo.

Suy ngẫm cho thấu đáo, chắt lọc kỹ, nhiều người cùng thảo luận, dân chủ và công khai, thì cũng có nghĩa là, đổi mới còn cho ta một kết quả nữa, đó là kết quả trong sự phát triển tư duy của con người, nhất là những người lãnh đạo, quản lý và tầng lớp tri thức, để từ đó mà tiếp tục đi tới, xa hơn, bền hơn.

vu_ngoc_hoang_ijqc.jpg
Ông Vũ Ngọc Hoàng

Nhìn thẳng sự thật

Để chuẩn bị tư tưởng cho cuộc đổi mới, lãnh đạo đất nước ngày ấy đã chủ trương phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Đây là chủ trương rất quan trọng, không né tránh thực tế, đối diện với nó để tìm cách giải quyết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, không che dấu khuyết điểm mà công khai nó để mọi người cùng thấy, cùng khắc phục. Việc đó không làm Đảng mất uy tín như cách nghĩ cũ, mà ngược lại nhân dân và đảng viên thấy tăng niềm tin vì nghĩ rằng như vậy là bản lĩnh, là một Đảng mạnh và chắc chắn.

Đổi mới tiếp theo cũng vậy, trước tiên phải nhìn thẳng sự thật, để thấy cái sai, cái yếu kém và tụt hậu của nước ta. Không nhìn thấy những yếu kém và tụt hậu thì không thể khắc phục chúng. Muốn khắc phục tụt hậu thì trước tiên phải nhìn thấy mình tụt hậu. Sự thật là năng suất lao động xã hội, thu nhập đầu người, hiệu quả đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ… của nước ta còn nhiều yếu kém và tụt hậu. Đổi mới không thể không tập trung giải quyết các vấn đề nêu trên.

Tư duy về giữ nước

Bước vào đổi mới, Đảng chủ trương trước tiên phải đổi mới tư duy. Đây là bước đi rất đúng. Không đổi mới tư duy sẽ không thể đổi mới trong công việc, trong hành động, hoặc nếu có chỉ là ngẫu hứng, bất chợt, cảm tính, không đủ cơ sở khoa học, có kết quả cũng không chắc chắn, hoặc kết quả mặt này lại trở ngại cho mặt kia.

Hoạt động đổi mới là hoạt động có mục đích, có tư duy, không thể tự  phát, phản ứng tức thì từng việc một, mà cần có cái nhìn tổng quát, có chiều rộng và tầm xa, chủ động trong nhiều bước đi nối tiếp nhau, tiến về phía trước, vượt lên phía trước, vượt lên chính mình.

Tất nhiên tư duy của con người không phải cùng lúc nghĩ hết được mọi việc, mà phải quan sát thực tiễn và nhìn ra thế giới, để tư duy được điều chỉnh và bổ sung liên tục. Tuy nhiên, đổi mới tư duy phải đi trước, có hệ thống, có cơ sở khoa học để bảo đảm thắng lợi, chứ không phải là để làm khác. Lúc đầu quả thật chúng ta có quan tâm việc dổi mới tư duy, rất tiếc là một thời gian sau đó tư duy bị chựng lại không tiếp tục đổi mới, cứ sợ “chệch hướng”, không dám đổi mới tiếp.

Người Việt Nam, từ cha ông để lại, tư duy về giữ nước rất giỏi, không như thế thì làm sao ta có thể thắng được các đội quân lược từ phương Bắc và phương Tây mạnh hơn ta rất nhiều lần. Nói như vậy để tự hào, để thấy mặt mạnh của ta, và tất nhiên không được chủ quan, ngày nay sự phát triển về kỹ thuật công nghệ của thế giới đã có bước tiến rất xa, dẫn đến nhiều thay đổi về phương thức hoạt động của con người.

Mặt khác, tư duy của người Việt Nam về sự phát triển thì không giỏi, chưa giỏi, còn nhiều mặt yếu kém. Nếu không phải thế thì tại sao cho đến nay, sau mấy ngàn năm lịch sử, thời kỳ hòa bình nhiều hơn chiến tranh, đất nước ta vẫn chưa phải là nước phát triển, thậm chí còn không ít mặt tụt hậu xa so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Từ nay, trong đánh giá tình hình nên thường xuyên so sánh với các nước, và trên nền tảng của văn hóa dân tộc, văn hóa giữ nước mà chủ động và tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa phát triển.

“Lắng nghe” thực tiễn

Công cuộc đổi mới của chúng ta lúc đầu xuất phát từ thực tế, sau đó khái quát lên, bổ sung vào hoặc biến thành lý luận mới. Thực tế ấy cho phép nghĩ rằng, đổi mới phải bám sát vào thực tiễn, “đọc” kỹ thực tiễn, “lắng nghe” thực tiễn, từ trong đó mà nhìn cho rõ yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta những vấn đề phải phúc đáp, đồng thời trong cuộc sống cũng luôn manh nha những câu trả lời, dù chưa đầy đủ, chưa toàn diện, nhưng có sức sống, bám rễ từ thực tiễn. Thực tiễn cũng là thước đo của chân lý.

Thực tiễn là người phản biện những lý thuyết, những chủ trương, từ đó mà vượt qua giáo điều, để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý thuyết. Đó là người thầy giúp ta giàu có vốn kiến thức và còn giúp ta phương pháp tiếp cận để đi xa, vượt qua thời gian, vượt qua chính mình, vươn về phía trước.

Đem lại lợi ích cho dân

Cuộc sống và hoạt động của đại đa số nhân dân, đó chính là thực tiễn. Công cuộc đổi mới phải xuất phát từ những mong muốn thiết thực và chính đáng của nhân dân, đáp ứng những mong muốn ấy, từ đó mà tập hợp rộng rãi mọi người, thành những phong trào tự nguyện. Trong đấu tranh giành lại đất nước, chiến tranh vệ quốc, với ngọn cờ dân tộc và dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành người lãnh đạo nhân dân.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, cũng phải phát huy truyền thống ấy, với ngọn cờ dân tộc và dân chủ để tiếp tục tiến lên. Vai trò lãnh đạo vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn đường hướng. Nhưng đổi mới phải là sự nghiệp của “trăm họ”, muôn dân. Nhân dân là mục tiêu và lực lượng của đổi mới. Đổi mới phải phục vụ nhân dân, đem lợi ích về cho nhân dân, từ đó mà có lực lượng lớn lao ở nhân dân.

Khi có lực lượng lớn lao thì mới có thể đạt kết quả to lớn, từ đó mà đáp ứng nhiều hơn cho mục tiêu phục vụ nhân dân. Những việc chẳng có lợi cho dân mà vẫn làm, gây phiền hà và tốn phí tiền thuế của dân thì đó không phải đổi mới, thậm chí là cản trở đổi mới.

Kiểm soát quyền lực

Xã hội và cuộc sống là một tổng thể gồm nhiều mặt có quan hệ hữu cơ với nhau. Không thể đổi mới lĩnh vực này mà không đổi mới lĩnh vực khác, gây gập ghềnh và cản trở lẫn nhau. Nước ta chủ yếu mới đổi mới về kinh tế, mà cũng mới đi nửa đường, còn văn hóa và chính trị thì cơ bản chưa đổi mới, sắp tới cần đồng bộ và toàn diện trong công cuộc này.

Trung ương đã có Nghị quyết về đổi mới căn bản nền giáo dục, chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang xây dựng nhân cách, phát triển năng lực và xây dựng một nền giáo dục mở, thực học. Đó là việc đúng, nhưng triển khai chậm và chưa chắc, có việc nửa chừng, có việc phải điều chỉnh nhiều mới có thể đi đến thành công. Các cơ quan có trách nhiệm cần tập hợp các chuyên gia để thực hiện cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục này, gắn với xây dựng nền văn hóa giàu tính nhân văn và phát triển khoa học – công nghệ.

Khẩn trương nghiên cứu để sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng,…

Những ý kiến trên đây chắc chắn là chưa đủ, và cần phải thảo luận để điều chỉnh và bổ sung…/.