Tròn 100 năm trước, khi Cách mạng tháng Mười thành công năm 1917, V.I.Lenin - lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đã chỉ ra nguy cơ của một Đảng cầm quyền. Đó là sự suy thoái từ trong Đảng. Người chỉ đạo một cuộc thanh đảng rất lớn, đưa ra khỏi đảng những phần tử thoái hóa, biến chất. Người cũng đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, xem đây là vấn đề cốt tử. Những chỉ dẫn này của Lenin đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa với quan điểm: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Mất lòng tin trong nhân dân là mất tất cả.
Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản |
PV: Thưa ông, khi tìm hiểu về Lenin với vấn đề xây dựng Đảng, tôi đặc biệt ấn tượng với cuộc thanh đảng diễn ra sau khi Cách mạng tháng Mười thành công năm 1917. Ông có thể nói rõ hơn về sự kiện này?
Nhà báo Nhị Lê: Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Mười, đảng Bolshevik đã hoàn thành trọng trách của mình nhưng đồng thời, khi đã giành được chính quyền, bất kỳ đàng cầm quyền nào, nếu không tự chỉnh đốn mình, không tự làm trong sạch mình thì vô hình trung đẩy đảng vào nguy cơ mất vai trò cầm quyền. Với vai trò là Chủ tịch Bộ dân ủy công nông, Lenin đã nhận thấy rất rõ những nguy cơ của một đảng cầm quyền. Đó là sự suy thoái từ trong đảng. Lenin đã chỉ đạo một cuộc thanh đảng rất lớn trong nội bộ đảng Bolshevik lúc bấy giờ.
Người yêu cầu, phải đuổi cổ những tên gian giảo ra khỏi đảng, những tên mà bên ngoài khoác áo Bolshevik nhưng trong lòng sặc mùi Menshevik. Cuộc thanh đảng của Lenin đã thành công. Rất nhiều đảng viên thoái hóa, biến chất bị đưa ra khỏi đảng. Đây cũng là một bảo bối để chính quyền Xô Viết non trẻ đứng vững trong Thế chiến thứ nhất 1914-1918, tạo tiền đề để đất nước Xô Viết thực hiện thành công những quyết sách của mình những năm đầu tiên giành được chính quyền, có sức mạnh để chiến thắng phát-xít trong thế chiến thứ hai 1939-1945.
PV: Từ kinh nghiệm thực tiễn, V.I. Lenin đưa ra những chỉ huấn rất sâu sắc: Mỗi người cộng sản nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình, thì không kẻ nào có thể hạ thấp được vai trò và uy tín của họ. Luận điểm này có gì tương đồng khi chúng ta thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII về chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”?
Nhà báo Nhị Lê: Đây là sự gặp gỡ kỳ thú, hay nói đúng hơn là sự phát triển đầy sáng tạo luận điểm của Lenin trong điều kiện hiện nay của Đảng ta. Lenin nói, không có một kẻ thù nào, dù hùng mạnh nhất, có thể chiến thắng được người cộng sản ngoại trừ những người cộng sản tự làm yếu mình, tự làm thui chột mình và tự đánh mất vai trò của chính mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như vậy. Người luôn luôn nhắc nhở mỗi cán bộ đảng viên của Đảng hãy xứng đáng là một người chiến sĩ tiền phong. Người chỉ rõ, nếu chỉ dán lên trán mình hai chữ “cộng sản” thì không được ai tôn kính cả mà phải bằng hành động của mình. Đó là đức hy sinh, đó là sống trong lòng dân.
Vừa qua chúng ta rất buồn, ở nơi này, nơi kia, có sự tổn thất lòng tin của nhân dân với Đảng. Trước hết, lỗi thuộc về đảng viên. Đảng ta là đảng chiến đấu, đảng hành động chứ không phải là câu lạc bộ, không phải là đảng khẩu hiệu, là tổ chức của những người chỉ biết nói mà không hành động. Một số đảng viên ở nhiều cấp đã làm tổn thất lòng tin của nhân dân, thậm chí ở nơi này nơi kia, ở người này người kia đã phụ lại lòng tin rất đáng hổ thẹn đối với nhân dân. Điều đó đã làm tổn thương mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Họ chính là thủ phạm làm cho đảng không đẹp, không xứng đáng ở một số mặt trong lòng nhân dân. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần kiên quyết thực hiện Nghị quyết TW4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tiếp tục hành động để củng cố lòng tin của nhân dân. Tôi xin nhắc lại, mất lòng tin là mất tất cả.
PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng ta về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Bác nói: "Khi đã trở thành đảng cầm quyền, nếu Đảng thiếu sự gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng sẽ trở thành một tổ chức quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, mất sức sống và sức sáng tạo, mất vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội". Thưa ông, vì sao Bác lại nhấn mạnh mối quan hệ này?
Nhà báo Nhị Lê: Đảng của chúng ta khác với nhiều đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Ngay từ khi mới ra đời, bản thân nó đã là “đứa con nòi” của dân tộc. Đảng sinh trưởng trong lòng dân tộc, đảng là con em của nhân dân. Cho nên, nếu đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì chính là vi phạm về mặt đạo lý, đạo đức. Thực tiễn 87 năm qua, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Khi nào Đảng sống trong lòng quần chúng, khi nào Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, nhân dân bao bọc, chở che cho Đảng thì chừng đó Đảng vững mạnh và ngược lại.
Nhìn vào sự đổ vỡ của các Đảng cộng sản ở các nước XHCN như Liên Xô và các nước Đông Âu, chúng ta càng thấy rõ, mất lòng tin trong nhân dân là mất tất cả. Sự sụp đổ của các chế độ XHCN ở các nước này đã cảnh báo rất rõ. Nếu Đảng không đứng trong lòng nhân dân thì sự sụp đổ là có thể nhìn thấy rõ. Đây là vấn đề sinh tử của Đảng.
PV: Thưa ông, Lenin đã từng chỉ đạo một cuộc thanh đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng luôn luôn coi trọng vấn đề làm trong sạch Đảng. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết TW4?
Nhà báo Nhị Lê: Điều đó hoàn toàn đúng. Với vị thế là người cầm quyền, hơn bao giờ hết, đảng phải thật sự là một tổ chức trong sạch, vững mạnh. Mỗi đảng viên là một chiến sĩ tiền phong, tiền phong trong hành động. Là một Đảng chính trị, hơn bao giờ hết, đảng phải lấy lợi ích dân tộc làm đầu, lấy lợi ích của nhân dân làm thượng sách. Tất cả những ung nhọt, suy thoái ở trong bộ phận này hay bộ phận kia đã làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Họ đã tự hạ thấp vai trò của Đảng ở nơi họ đứng chân. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này rất rõ.
Đảng quyết không phải là một tổ chức để làm quan phát tài, cho nên, con ông cháu cha, cha truyền con nối là một điều tệ hại trong Đảng. Cả nhà làm quan, cả họ làm quan, đã biến Đảng thành một tổ chức đặc quyền, đặc lợi. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đảng chứ không phải của họ nhà nào. Đây là điều rất đáng buồn.
Thứ hai, chưa bao giờ như bây giờ, tôi thấy cần phải cảnh báo “tệ cát cứ xứ quân”. Dòng họ, lợi ích nhóm đã “băm” nhỏ lợi ích của toàn đảng, lợi ích của dân tộc. Đây là nguy cơ hết sức nguy hiểm. Từ sự cảnh báo của Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu được điều này. Người luôn luôn cảnh báo, chúng ta là một Đảng thống nhất, dân tộc chúng ta là một dân tộc thống nhất. Lợi ích dân tộc là tối cao, lợi ích nhân dân là vô giá.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Muốn chống “tự diễn biến” phải giữ cho Đảng trong sạch