Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thường trực hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Văn Phòng 2 Giáo hội phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trụ trì chùa Chăng-ta-rang-say ở phường 7, quận 3 TP HCM nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn VOV.VN.

PV: Thưa Hòa thượng, chỉ còn ít ngày nữa Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra. Bà conKhmer nói chung, chư tăng Khmer nói riêng có tâm tư, nguyện vọng gì gửi tới Đại hội?

Hòa thượng Danh Lung: Đối với đồng bào Khmer nói chung và các chư tăng Khmer nói riêng, chúng tôi mong muốn Đại hội Đảng lần thứ XII diễn ra thành công, trong đó chọn được những vị lãnh đạo có năng lực, có tầm, nhất là năng lực về tập hợp các tầng lớp nhân dân. Những lãnh đạo chủ chốt phải làm sao huy động được nhân dân Việt Nam, trong đó có đồng bào Khmer tiếp tục tham gia đóng góp cho Đảng và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

ht_danh_lung_pjhi.jpg
Hòa thượng Danh Lung
Đối với đồng bào Khmer, từ ngày thành lập Đảng cho đến nay, chúng tôi luôn luôn cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng phum sóc, bản làng ngày càng giàu đẹp. Nhiều nhà sư Khmer mặc dù xuất gia, nhưng vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội. Ngay từ những năm kháng chiến, đường lối chính sách của Đảng hợp với lòng dân, bà con, chư tăng Khmer đã có nhiều đóng góp bảo vệ, xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước hiện nay, đồng bà Khmer cũng như chư tăng Khmer luôn mong muốn chọn được những cán bộ chủ chốt có tài đức, tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đời sống của bà con tôn giáo nói chung, đồng nào Khmer nói riêng. Với sự quan tâm này, đời sống của bà con, chư tăng Khmer đã có những thay đổi như thế nào, thưa Hòa thượng?

Hòa thượng Danh Lung: Với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua, đánh giá một cách chung nhất ở các tỉnh miền Tây Nam bộ- nơi có đa số đồng bào Khmer sinh sống thì kinh tế, đời sống văn hóa của đồng bào Khmer có sự phát triển rõ rệt. Đời sống vật chất của bà con khấm khá hơn.

Đời sống tinh thần là một nhu cầu rất lớn trong cuộc sống của đồng bào Khmer có một sự quan tâm rất lớn. Phần lớn các chùa chiền được xây dựng, trùng tu. Nhiều ngôi chùa được Nhà nước đầu tư xây mới, một số chùa bị chiến tranh tàn phá, các địa phương cũng cũng đã và đang có kế hoạch khôi phục lại để đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

PV: Thưa Hòa thượng, đồng bào tôn giáo trong nước luôn khẳng định rằng Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào tôn giáo. Tuy nhiên, các thế lực thù địch bên ngoài vẫn thường xuyên có những luận điệu xuyên tạc tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Đồng bào Khmer đã có những biện pháp nào để chống lại luận điều vu khống này?

Hòa thượng Danh Lung:Đối với đồng bào tôn giáo Khmer và bản thân tôi, từ ngày giải phóng đến nay, chúng tôi luôn được tự do tín ngưỡng tôn giáo. Bản thân tôi từng sống trong 2 chế độ, thì trước kia trong chiến tranh, chúng tôi phải thường xuyên lánh đạn, không có thời gian tụng niệm như bây giờ.

Từ khi giải phóng đất nước đến nay, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, Chính phủ đã cho Phật giáo Nam tông thành lập một Học Viện phật giáo Nam tông đặt tại TP Cần Thơ. Các chùa đều được mở trường lớp dạy chữ Khmer để phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Các thầy dạy tiếng Khmer cũng có sự hỗ trợ của Ban Dân tộc về mặt thù lao đứng lớp. Điều đó đã nói lên sự quan tâm của Đảng, Nhà nước như thế nào đối với đồng bào Khmer nói chung và chư tăng Khmer nói riêng.

Luận điệu xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước không có sự tự do tín ngưỡng đối với đồng bào tôn giáo vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng đồng bào Khmer luôn vững chắc niềm tin với Đảng, Nhà nước. Những luận điệu sai trái đó không thể nào làm lay chuyển tinh thần yêu nước, lòng tin với Đảng, với Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn Hòa thượng./.