Những ngày này, cùng với các địa phương trong cả nước, vùng ĐBSCL bước vào một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng: ĐH Đảng bộ các tỉnh, thành nhiệm kỳ 2015-2020. Đến thời điểm này đã có các địa phương là TP Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang tổ chức xong ĐH Đảng bộ, các tỉnh còn lại sẽ tổ chức trong tháng 10 này.

Vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ mới là với một Ban chấp hành, lãnh đạo mới,  5 năm tới Đảng bộ 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ đưa địa phương phát triển như thế nào trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Sức mạnh đất Chín Rồng sẽ được nhân lên trong giai đoạn mới ra sao?

dang_bo_kien_giang_rslo.jpg
ĐH Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X bàn mục tiêu phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Qua dự ĐH Đảng bộ các địa phương trong vùng vừa qua cho thấy, hầu hết các thế mạnh, yếu kém của từng nơi đều được các ĐH thảo luận sôi nổi. Trước đó các tỉnh, thành cũng đưa dự thảo văn kiện ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Do vậy các văn kiện chính là quá trình tổng kết thực tiễn, từ đó mở đường cho các bước phát triển trong nay mai.

Trong 5 năm tới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều chọn các thế mạnh vốn có của mình để tạo đột phá. TP Cần Thơ với thế mạnh trung tâm sẽ tập trung cho phát triển dịch vụ, công nghiệp và kết nối với các địa phương để phát triển. Tỉnh Bến Tre phát triển nông nghịêp bền vững với  2 mũi nhọn là kinh tế tế vườn và kinh tế biển. Cà Mau cũng chọn đột phá là kinh tế biển. Tỉnh Hậu Giang lấy nông nghiệp công nghệ cao làm nền tảng; trong khi Kiên Giang cùng với nông nghiệp hiệu quả là phát triển Đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Một điểm đáng mừng nữa là qua ĐH ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tỷ lệ đảng viên trẻ (dưới 40 tuổi), đảng viên là nữ trúng cử vào BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt khá cao so với nhiệm kỳ trước. 

Điều này cho thấy, thế hệ lãnh đạo ở miền Tây Nam bộ nay mai sẽ là những người sinh ra và lớn lên trong hoà bình, được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; được quy hoạch và thử sức qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở.

Kênh Xáng Xà No - “Con đường Lúa gạo”  miền Tây

Tuy nhiên, đất Chín Rồng trong 5 năm tới cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đó là điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn chậm và kém phát triển; trong khi lĩnh vực giáo dục đào tạo đang tụt hậu so với cả nước; ngành nông nghiệp đang bị thách thức ghê gớm trong hội nhập. Đó là chưa kể tình trạng biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nước ngọt vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ cũng gặp không ít thách thức…

Hơn 400 năm trước, những thế hệ cha ông từ miền Bắc, miền Trung đã “Nam tiến”  khai mở đất Nam bộ trong đó có ĐBSCL. Họ đã hợp lực để khai khẩn đất hoang, đưa nơi đây thành vùng đồng bằng trù phú, màu mỡ cho cháu con hôm nay thụ hưởng. 

Và các thế hệ cách mạng sau này cũng đã hoàn thành tốt vai trò lịch sử của mình. ĐBSCL cũng là nơi nuôi dưỡng, tôi luyện các nhà cách mạng xuất sắc của dân tộc như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng. Do vậy thế hệ đảng viên hôm nay cần có trách nhiệm cùng với toàn Đảng bộ và nhân dân trong vùng làm nên công cuộc “Khai phóng” sức mạnh đất Chín Rồng cho giai đoạn đất nước hội nhập và mở cửa.

Để làm được điều này, đảng bộ các địa phương trong vùng trong chỉ đạo sẽ phải thực hiện nhiều yêu cầu trong đó có các yêu cầu cơ bản như: Một là, với điều kiện địa lý, tự nhiên xã hội tương đồng nhau, nên các tỉnh, thành trong vùng phải liên kết để phát triển, mà trước hết là liên kết trong phát triển nông nghiệp với việc hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; liên kết thể hiện ở từng địa phương và liên kết toàn vùng. 

Trên cơ sở đó hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp có sức mạnh chi phối thị trường trong nước và quốc tế. Liên kết cả trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch và thương mại nhằm đem lại hiệu quả cao nhất

Các địa phương phải tự lực cánh sinh để sáng tạo và phát triển. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên ở các tỉnh, thành phải lãnh đạo, huy động được sức mạnh tổng hợp trong dân để làm đường giao thông, đổi mới giáo dục và đào tạo; vượt qua các rào cản, yếu kém, triệt để khai thác các thế mạnh để phát triển. Muốn làm được điều này, mỗi người phải bằng nội lực của bản thân cần biến các ý tưởng thành hành động để dân tin, dân quý.

Cùng với đó cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cởi mở trong tư duy, nhất là trong thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển; mà trước hết là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế đầu tư làm ăn, xây dựng đồng bằng ngày càng trù phú, văn minh. Đây là cách mà các bậc tiền nhân ở Nam bộ đã làm được khi thực hiện công cuộc khẩn hoang, đào kênh, thau chua rửa phèn, dựng xây nên các cánh đồng trú phú bậc nhất Đông Nam Á như ngày nay.

Cầu Cần Thơ nối liền sông Hậu về đêm (Ảnh: Duy Khương)

Trong phát triển cần chú trọng phát huy bản sắc văn hoá đặc trưng của vùng. Đó là văn hoá miệt vườn, văn hoá sông nước; nền văn hoá thống nhất trong đa dạng với sự hoà quyện của các dân tộc Kinh- Hoa- Khmer- Chăm. Để từ đó cảnh quan, sông nước hữu tình, trù phú không bị xâm hại; con người châu thổ Cửu Long luôn được vinh danh là hào hiệp, nghĩa cử, chân chất… toả sáng trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Thực hiện được yêu cầu kể trên, là trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên và cũng là mong ước người dân đất Chín Rồng nói riêng, của cả nước nói chung đang gửi gắm đến Đảng bộ các địa phương trong vùng trong 5 năm tới./.