Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương đã phát đi lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, kêu gọi "toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19".

tbt_ctn_wogz_mazr.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân đồng lòng chống dịch

Từng câu, chữ và đặc biệt là tinh thần trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không khỏi khiến người ta nhớ đến những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vào rạng sáng 20/12/1946 và ngày 17/7/1966. Những lời hiệu triệu ấy có cùng điểm chung được người đứng đầu đất nước phát đi đúng vào lúc đất nước đang lâm vào hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". 

Thời điểm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, bất kể già trẻ, gái trai, tôn giáo, tín ngưỡng đoàn kết để giữ vững độc lập, tự do của dân tộc. Lời kêu gọi thiêng liêng của Người như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học 

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta nhìn thấy quân địch ở trước mắt, rõ ràng, nhưng trong cuộc kháng chiến chống dịch Covid-19, "đối thủ" của chúng ta là vô hình, không nhìn thấy.

Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau ngày ấy, ở Thủ đô Hà Nội, “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam cũng đồng loạt đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, với ý chí, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng

Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 20/12/1946, ngày 17/7/1966 hay lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào ngày 30/3/2020, tuy có khác về thời gian, về hoàn cảnh nhưng nó mang cùng một sứ mệnh đó là sốc lại tinh thần của cả dân tộc, tạo ra sự đoàn kết, nhất trí, kỷ luật của toàn dân, toàn quân. Qua đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, đoàn kết, siết chặt đội ngũ để cùng nhau vượt qua thời khắc khó khăn trong vận mệnh của đất nước.

Để chiến thắng trong cuộc chiến lần này, không có cách nào khác, mỗi người dân cần ý thức được tinh thần thượng tôn kỷ luật, tuân thủ các quy định của Chính phủ, khai báo y tế, tỉnh nào ở yên tỉnh đấy, nhà nào ở yên nhà đấy…. Tuỳ theo khả năng và sức lực, mỗi cá nhân đều có thể chung tay chung sức bằng những hành động, bằng của cải vật chất để tạo ra những sản phẩm giúp người dân, giúp các cán bộ chiến sĩ và lực lượng y bác sĩ phòng chống dịch, mua trang thiết bị y tế.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng

Nhấn mạnh lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm mang tầm chiến lược để hoạch định những vấn đề lớn, cơ bản nhất trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc, giành thống nhất hoàn toàn, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, cho rằng, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng mang một tầm vóc chiến lược như thế, nó nhấn mạnh yếu tố quan trọng, cấp bách trong công tác chống “giặc dịch”.Một cuộc chiến cực kỳ nguy hiểm bởi chúng ta không nhìn thấy kẻ thù, không lường được sự phá hoại của nó đối với đất nước, tính mạng, sức khỏe của người dân. Nó nguy hiểm bởi nó không chỉ tàn phá ở một quốc gia mà gần như trên toàn thế giới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc trên tinh thần “chống dịch như chống giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”. Nếu như trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây, chúng ta chiến đấu bằng bất cứ vũ khí gì, thì trong cuộc chiến với dịch lần này, thứ vũ khí lợi hại nhất đó là tinh thần trách nhiệm và kỷ luật.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng đồng lòng, đoàn kết thực hiện, huy động tối đa sức mạnh của đất nước, cùng với ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân mới mong chiến thắng trong cuộc chiến này.

Lịch sử Đảng đã cho thấy, có những lúc đất nước rơi vào hoàn cảnh đầy khó khăn, thách thức, dưới sự dẫn dắt của Đảng, Chính phủ, chúng ta đã quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, huy động được lực lượng vật chất và tinh thần của cả dân tộc để đương đầu và thắng lợi trước mọi loại kẻ thù, mọi loại nguy cơ. Bài học của những thành công đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.