Ngày 25/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015- 2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

ha_noi_2_cndl.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Bộ Chính trị về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Thành uỷ Hà Nội khẳng định: Năm năm qua, diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng và khởi sắc. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mục tiêu: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp chiếm 4,5%. Xây dựng, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được tập trung giải quyết tốt hơn. Kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Phát triển nông nghiệp và nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng nông thôn mới đạt được những tiến bộ rõ rệt. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân được cải thiện và tiếp tục được nâng cao.

Chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả quan trọng. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Đánh giá về 30 năm đổi mới và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ đô Hà Nội đã và đang thể hiện rõ vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, đầu tàu của vùng Thủ đô, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Nhận định bối cảnh tình hình trong nước và thế giới trong những năm tới, Đảng bộ Hà Nội xác định trong nhiệm kỳ XVI tập trung phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Sau khi nghe các ý kiến của các thành viên Bộ Chính trị và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh Bộ Chính trị đánh giá các văn kiện trình Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và công tác nhân sự được Đảng bộ Hà Nội chuẩn bị đúng nội dung, đúng quy trình theo chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương.

Báo cáo chính trị đã phản ánh khá đầy đủ những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô nhưng cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở bám sát các quan điểm, chủ trương lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết của Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Luật Thủ đô. Từ đó có những đánh giá chính xác hơn những công việc mà Hà Nội đã làm được trong nhiệm kỳ qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đảng, an ninh, quốc phòng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hà Nội cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò là thủ đô của đất nước và là đầu não chính trị - hành chính quốc gia

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần nhận thức đầy đủ vị trí của Hà Nội với vai trò là thủ đô của đất nước và là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Vì vậy, chủ đề của Đại hội Đảng bộ thành phố cần thể hiện rõ tư tưởng: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và mọi nguồn lực xã hội; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng thủ đô Hà Nội ngày càng giàu mạnh, văn minh, thanh lịch, hiện đại.

Cũng chính vì vậy, Hà Nội phải lựa chọn những khâu trọng tâm, trọng điểm làm đột phá để tập trung thực hiện trên tinh thần “năng động, sáng tạo, quyết liệt”, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho thành phố thời gian tới. Trong đó tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, đặc biệt là cải cách hành chính, hạ tầng, nguồn nhân lực. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là nguồn lực, năng suất lao động, đời sống nhân dân, sự chênh lệch giữa các vùng, số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều Bảo vệ môi trường gắn với quản lý đô thị.

Tập thể Bộ Chính trị chụp ảnh lưu niệm với Ban Chấp hành Thành ủy Hà Nội

Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ Hà Nội tiếp tục tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chống cho được suy thoái, biến chất. Hà Nội phải rất kiên định về chính trị. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ tiến hành một đợt tự phê bình và phê bình là xong mà còn nhiều việc phải làm.

Bộ Chính trị cho rằng phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa mới đã được chuẩn bị công phu, dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình; bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực thành uỷ; cơ bản bảo đảm hợp lý cơ cấu địa bàn và ngành, lĩnh vực; bảo đảm tỷ lệ đổi mới trên 30%./.