Ðối thoại với nhân dân là việc làm cần thiết giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp sát đời sống của nhân dân, lắng nghe để phục vụ người dân tốt hơn. Rất nhiều cuộc đối thoại giữa những người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung với người dân đã tạo được sự đồng thuận lớn. Những xung đột của người dân liên quan đến đất đai, giải tỏa đền bù, ô nhiễm môi trường… được giải quyết ổn thỏa thông qua các cuộc đối thoại “thấu tình đạt lý”.
Ông Kỳ Thanh Tịnh kể lại những chuyện vui buồn qua những lần đối thoại với dân. |
Người dân khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng đã quá quen với ông già vẻ mặt hiền từ, sẵn sàng hứng chịu những trận chửi như tát vào mặt trong suốt quá trình giải tỏa khu vực này để triển khai Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Có người chửi mắng ông xong nghĩ lại, ông có được lợi gì đâu mà chửi ông. Rồi nhiều người cảm thấy có lỗi. Đó là những gì mà ông Kỳ Thanh Tịnh trải qua trong suốt thời gian làm Bí thư Chi bộ 13, Đảng bộ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Gặp ông vào 1 ngày cuối năm 2019, ông Kỳ Thanh Tịnh cho biết, hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ, tham gia hàng chục cuộc đối thoại cấp phường, tổ dân phố, ông từng gặp những “ca” khó mà chỉ có những người kiên nhẫn mới làm được. Đó là lúc ông đi vào nhà 1 người dân vận động thực hiện chủ trương di dời, người phụ nữ trong gia đình nọ cởi sạch quần áo làm ông ngượng chín mặt. Nhưng ông không bỏ đi mà vẫn điềm tĩnh nói chuyện như không có gì xảy ra.
Ông Kỳ Thanh Tịnh bảo, nghe ông nói có lý, có tình, gia đình nọ từ từ hạ giọng rồi nói chuyện một cách tử tế: “Đối thoại với dân phải kiên trì, nếu không kiên trì là bỏ giữa đường. Không những chịu đựng gian khổ mà chịu đựng chửi bới. Cán bộ xuống từng nhà một để vận động chớ tập họp họ thì đời nào họ đi, đến nhà mà chưa chắc họ tiếp mình nữa kia. Trời mưa gió mình đến thì họ nói mấy ông đi chi mà mưa gió đi, để cho bọn tui yên”.
Mùa xuân này khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng hoàn thành việc giải tỏa. Năm 2008, Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết, quy mô hơn 437 héc ta, hàng ngàn hộ dân trong diện di dời, bàn giao mặt bằng triển khai dự án. Cồn Dầu trở thành “điểm nóng” khi nhiều hộ dân không chịu di dời hoặc phản ứng về giá cả, nơi ở mới, phương thức đền bù không thỏa đáng… Với phương thức đối thoại mềm dẻo, đảm bảo quyền lợi của người dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến quận, phường, tổ dân phố tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại với người dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay, 100% số hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai dự án: “Chúng tôi bố trí việc tiếp dân và đối thoại trực tiếp với người dân để nghe những phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân để chính quyền giải quyết những cái nào chúng ta có thể giải quyết được trong khả năng cho phép, đúng quy định của pháp luật. Từ đó người dân có chuyển biến rõ nét về chủ trương giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư”.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đối thoại với đồng bào huyện miền núi Nam Giang. |
Còn ở tỉnh Quảng Nam, trong năm vừa qua, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã có 3 cuộc đối thoại với người dân vùng Đông, với đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Nam Giang và với cán bộ phụ nữ. Ông Phan Việt Cường kể, khu vực vùng Đông lâu nay bà con thắc mắc về quản lý hiện trạng, không cho tách thửa. Qua đối thoại, lãnh đạo tỉnh tiếp thu ý kiến của bà con và tiến hành sửa Chỉ thị của UBND tỉnh cho phù hợp với thực tế. Ông Phan Việt Cường cho biết, tỉnh đã nhận thấy việc UBND tỉnh buộc người dân ở những nơi không có dự án không được tách thửa, làm nhà là không đúng nên tiến hành chỉnh sửa nội dung Chỉ thị. Sau buổi đối thoại, nhân dân hết sức phấn khởi.
Tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam với người dân huyện miền núi Nam Giang mới đây, bà con yêu cầu được phép vào rừng đốn gỗ làm nhà. Vấn đề này, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, theo quy định của pháp luật cũng như Chính phủ đã nghiêm cấm phá rừng, đóng cửa rừng nên không thể đồng ý với đề nghị của bà con. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân muốn có gỗ làm nhà thì phải tích cực trồng rừng lấy gỗ. Còn tại cuộc đối thoại với cán bộ phụ nữ, nhiều người than phiền về tình trạng bạo lực gia đình, về chế độ chính sách đối với phụ nữ, về tỷ lệ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo còn ít trong các cơ quan nhà nước.
Ông Phan Việt Cường cho biết, Tỉnh ủy Quảng Nam đã mời lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng trực tiếp trả lời ý kiến thắc mắc của cán bộ phụ nữ. Sau đối thoại, các câu hỏi được đăng tải trên trang web của Hội Phụ nữ để chị em tìm đọc: “Phải tổ chức tiếp dân, đối thoại với nhân dân, nhất là điểm “nóng”. Muốn làm tốt việc này thì hằng năm phải xây dựng kế hoạch, nơi nào “nóng”, nơi nào cần. Tôi nghĩ cả tỉnh này, Bí thư các Huyện ủy tổ chức đối thoại thì tình hình Quảng Nam sẽ yên ổn. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra một số nơi, anh không đối thoại với dân sẽ phê bình và đánh giá xếp loại hằng năm”- ông Phan Việt Cường nói.
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao đổi thẳng thắn với người dân xã Phổ Thạnh. |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, cuộc đối thoại căng thẳng nhất trong năm qua chính là buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ với người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ liên quan đến hoạt động Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ gây ô nhiễm. Với trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ trách nhiệm về những sai sót trong quá trình thực hiện và chưa giải quyết kịp thời những bức xúc của bà con. Trước đó, hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh phản đối, ngăn chặn các hoạt động của nhà máy xử lý chất thải này, yêu cầu di dời nhà máy. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cho tạm dừng hoạt động nhà máy; Đồng thời tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, ban đầu tỉnh giao cho cấp xã đối thoại với dân, sau đó đến cấp huyện nhưng tình hình vẫn không lắng dịu. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với dân nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và thống nhất cử Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh.
Ông Lê Viết Chữ cho biết, cuộc đối thoại đã đi thẳng vào những kiến nghị, thắc mắc của người dân: “Tôi nghĩ rằng, người dân họ biết và tin người đứng đầu là chịu trách nhiệm cao nhất. Dù nhiệm kỳ nào đi chăng nữa, dù cấp dưới của mình là ai đi chăng nữa thì cuối cùng người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân. Người dân họ tin điều đó tức là họ tin Đảng, và họ gởi gắm trách nhiệm cho mình phải làm như những gì mình nói với dân. Cho nên tui nghĩ không có gì là xấu hổ hết. Mình là đảng viên, đứng đầu cấp ủy thì thay mặt cán bộ, đảng viên nhận lỗi với dân, xin lỗi dân một cách chân tình. Và chính điều đó tạo động lực cho mình phải cố gắng giải quyết cho được kiến nghị của dân chớ không hứa rồi bỏ.
Đối thoại để tìm được tiếng nói chung, đó là việc cần làm. Tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tiếc rằng, một số nơi còn xảy ra hiện tượng cán bộ quan liêu, xa dân, không lắng nghe dân nên dễ xảy ra điểm nóng./.