Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chống tham những không ngừng nghỉ, không có vùng cấm
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Có thể khẳng định, năm 2021 công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được những kết quả tích cực.
Qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Trong những tồn tại, hạn chế, đại biểu Trần Văn Tuấn đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện. Theo ông, quyền lực Nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng.
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Vì ngay trong luật còn có những bất cập trong quy định về trách nhiệm, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại...
“Về cơ bản các khiếu nại hành chính lại do các cơ quan hành chính giải quyết, không tránh khỏi sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong giải quyết, gây tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí thành điểm nóng gây bức xúc trong xã hội”, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu ý kiến.
Số liệu nói lên điều gì?
Đề cập báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến tre) dẫn số liệu cho thấy năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số cuộc thanh tra hành chính giảm 32%, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị, xem xét xử lý hành chính giảm 30% nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng. Số vụ chuyển cơ quan điều tra trong tổng số cuộc thanh tra cũng cao hơn.
Cụ thể, tăng 6% số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất và tăng gần 4% số cá nhân bị chuyển cơ quan điều tra xử lý so với năm 2020.
Năm nay cũng là năm thứ hai áp dụng thực hiện mở rộng phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy số cuộc thanh tra, kiểm tra tại khu vực này giảm song số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng.
Đề cập vấn đề năm 2021 kiểm tra 13 đơn vị là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì phát hiệu 13 vụ có dấu hiệu tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng báo cáo chưa làm rõ 13 vụ này xảy ra tại 13 đơn vị hay không.
“Trong trường hợp đó thì phát hiện 100% tại các đơn vị được kiểm tra, đây là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng”, đại biểu đặt vấn đề, đồng thời cho rằng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng giảm cũng chưa được làm rõ lý do.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ băn khoăn khi một số vấn đề đã được nêu lên từ năm trước nhưng đến nay chưa được giải quyết hay có sự chuyển biến rõ rệt, như: Tình trạng “lót tay” để được giải quyết công việc, nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau” tập trung vào một số lĩnh vực.
“Đề nghị báo cáo lần sau của Chính phủ cần phân tích làm rõ số liệu, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, có giải pháp phù hợp cũng như việc thực hiện các kiến nghị để tạo điều kiện cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường chất vấn, giám sát” – đại biểu đoàn Bến Tre kiến nghị.